Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông

Nhiều năm qua, tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm vào mùa khô khiến người dân bức xúc vì gây chết cá nuôi, ảnh hưởng đến nước tưới phục vụ sản xuất lúa và canh tác hoa màu.

Sông Vàm Cỏ Đông tiếp nhận nhiều nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý

Từ ngày 11.4 đến ngày 21.5, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tổ chức đoàn khảo sát, xác minh thông tin thực tế ở các địa điểm như: rạch Trưởng Chừa và rạch Bình Tranh, thị xã Trảng Bàng; cảng Bến Kéo, cầu Rạch Rễ Giữa, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành; đoạn sông tại cầu Gò Chai và điểm tập kết lục bình bến Huỳnh Vương, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành; đoạn sông cầu Bến Đình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu và ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng.

Qua khảo sát, đoàn ghi nhận nước sông chuyển màu đen và có mùi nhưng chỉ xảy ra cục bộ từng đoạn sông, không liên tục. Hiện tượng này thường xảy ra hằng năm vào cuối mùa khô (khoảng tháng 4, 5), nhất là những năm nắng hạn kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Mùa khô năm 2024, Sở TN&MT đã triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh, định kỳ hằng tuần cử cán bộ kiểm tra, khảo sát lưu vực sông, các nguồn thải từ 2-3 lần (không kể ngày nghỉ, lễ), chưa phát hiện tình trạng doanh nghiệp xả trộm chất thải chưa qua xử lý ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước tại khu vực ô nhiễm nêu trên.

Những dãy nhà dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông (khu dân cư cặp sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu), người dân cũng xả nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống sông và trong tương lai khu dân cư này sẽ được giải tỏa.

Những dãy nhà dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông (khu dân cư cặp sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu), người dân cũng xả nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống sông và trong tương lai khu dân cư này sẽ được giải tỏa.

Nguyên nhân chính nước sông ô nhiễm là do những khu vực trên tiếp nhận gần 50.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý (thị xã Hòa Thành, thị trấn Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, thị trấn Châu Thành, thành phố Tây Ninh), trong đó có khoảng 2.977 cơ sở, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, tiệm ăn, sửa xe… với tổng lưu lượng nước thải phát sinh là 8.000 m3/ngày.đêm, xả trực tiếp ra môi trường.

Ngoài ra, có sự tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu dẫn đến khả năng tự làm sạch tự nhiên của dòng sông hạn chế. Những ngày đầu tháng 5.2024, thời tiết nắng nóng gay gắt làm nhiệt độ trong nước có xu hướng tăng liên tục, nhiệt độ nước sông thay đổi nhanh giữa ngày và đêm, lưu lượng dòng chảy của các sông khá thấp làm giảm hàm lượng DO trong nước, tăng hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ cao dẫn đến làm gia tăng phân hủy kỵ khí tạo mùi và thay đổi màu nước sông.

Đặc trưng của chất lượng nước sông tại các vị trí tiếp nhận nguồn thải vào cuối mùa khô là hàm lượng sắt (Fe) tăng cao gây ra mùi tanh và nước màu xám đen. Cụ thể, ngày 3.5.2024, Sở lấy mẫu nước mặt tại bến Huỳnh Vương, khu vực tập kết lục bình của Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công có hàm lượng sắt (Fe) = 2,97 mg/l vượt 5,94 lần so với Quy chuẩn cho phép (0,5 mg/l).

Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất có xả nước thải ra môi trường

Để bảo vệ chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông, Sở TN&MT triển khai thực hiện các giải pháp như tiếp tục thanh, kiểm tra, giám sát trên 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải vào lưu vực sông theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, cương quyết rút giấy phép môi trường và đình chỉ hoạt động, thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật nhằm chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông trong thời gian tới.

Đơn vị cũng đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên giám sát các hoạt động xả thải của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; yêu cầu chủ nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 500m3/ngày.đêm trở lên thực hiện lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định trước ngày 31.12 và truyền dữ liệu về Sở quản lý, quá thời hạn nêu trên nếu chủ nguồn thải nào không thực hiện thì xử lý theo quy định. Đồng thời, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện chương trình quan trắc hiện trạng môi trường chất lượng nước mặt trên các sông, suối trong năm 2024.

Sông Vàm Cỏ Đông đang tiếp nhận gần 50.000m3/ngày đêmnước thải sinh hoạt chưa qua xử lý (thị xã Hòa Thành, thị trấn Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, thị trấn Châu Thành, thành phố Tây Ninh).

Sông Vàm Cỏ Đông đang tiếp nhận gần 50.000m3/ngày đêmnước thải sinh hoạt chưa qua xử lý (thị xã Hòa Thành, thị trấn Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, thị trấn Châu Thành, thành phố Tây Ninh).

Tiến tới vận động không nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn

Theo Sở TN&MT, về lâu dài cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; nghiên cứu, đề xuất phương án nạo vét bùn đáy sông Vàm Cỏ Đông theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29.12.2023.

Căn cứ Quyết định số 2557/QĐ-UBND ngày 14.12.2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thủy sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 5.1.2023 của UBND tỉnh về phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng phát triển vùng chăn nuôi như sau: không khuyến khích phát triển mô hình nuôi thủy sản bằng lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn.

Theo đó chỉ phát triển tại các khu vực có thể lấy nước để nuôi trồng thủy sản cặp theo dòng chảy của lưu vực sông Vàm Cỏ Đông từ xã Phước Vinh, huyện Châu Thành đến phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng… Sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn có dòng chảy nhỏ, thời gian gần đây, lục bình phát triển dày đặc, việc nuôi cá bằng lồng bè trên sông cũng làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy… Nước thải trong quá trình nuôi thải trực tiếp ra sông, không có biện pháp xử lý cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường nước tự nhiên.

Vì vậy, định hướng trong thời gian tới là khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân chuyển từ mô hình nuôi cá lồng bè trên sông sang hình thức nuôi thủy sản bằng ao đất… Hiện ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai Kế hoạch quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản năm 2024, qua đó sẽ có thông báo diễn biến tình hình môi trường nước sông đến người dân biết để phục vụ nuôi thủy sản.

Tấn Hưng

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhieu-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-o-nhiem-song-vam-co-dong-a175378.html