Nhiều gói thầu ở Quảng Bình phạm luật?
Kể từ đầu năm 2024 ở tỉnh Quảng Bình, chủ đầu tư thuộc các cơ quan Nhà nước liên tục tổ chức đấu thầu nhiều gói có nguồn vốn từ ngân sách lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết các gói thầu này đều vi phạm Luật Đấu thầu năm 2023.
Theo chuyên gia, vi phạm phổ biến nhất của các gói thầu tại Quảng Bình thời gian qua đều liên quan đến “Phương thức lựa chọn nhà thầu”. Theo đó, hầu hết các chủ đầu tư đã chọn phương thức “1 giai đoạn 2 túi hồ sơ”.
Nghĩa là, mỗi gói thầu, tổ chuyên gia sẽ mở túi hồ sơ đề xuất kỹ thuật để chấm trước, nhà thầu nào đáp ứng mặt kỹ thuật thì tiếp tục mở túi hồ sơ đề xuất tài chính để so sánh và nhà thầu có giá thấp nhất được lựa chọn để trúng thầu.
Liên quan phương thức “1 giai đoạn 2 túi hồ sơ”, Điều 31, Luật Đấu Thầu năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 quy định áp dụng đối với: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn; hoặc đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ.
Soi chiếu với quy định này, thì hầu hết các gói thầu mà các chủ đầu tư tại Quảng Bình đưa ra đấu thầu từ đầu năm 2024 đến nay đều là các gói thầu xây lắp thông thường, không đòi hỏi kỹ thuật cao về “khoa học, công nghệ”.
Đơn cử: Ngày 14/3/2024, UBND huyện Lệ Thủy ra Quyết định số 724, về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp số 1 cộng thiết bị, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu phức hợp đô thị mới phía Đông Bắc đường BOT tránh lũ. Liên danh Nam Hải - Thắng Lợi trúng thầu với giá trị hơn 73 tỷ đồng.
Soi chiếu với Luật Đấu thầu năm 2023 thì đây là gói thầu xây lắp thông thường, không thuộc trường hợp kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn áp dụng phương thức “1 giai đoạn 2 túi hồ sơ” để lựa chọn nhà thầu.
Một chuyên gia khẳng định: “Điều khoản chuyển tiếp quy định trong Thông tư của Bộ KH&ĐT hướng dẫn áp dụng Luật Đấu thầu năm 2023 đã nói rất rõ các trường hợp được phép áp dụng luật cũ. Tuy nhiên, những gói thầu nói trên không nằm trong diện được áp dụng luật cũ nên cần phải hủy để đấu lại”.
Tương tự, ngày 5/2 và 29/2/2024, Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy lần lượt mở kết quả hồ sơ đề xuất kỹ thuật và hồ sơ đề xuất tài chính gói thầu đầu tư xây dựng khu kỹ thuật và điều trị chuyên khoa của bệnh viện này với giá dự toán gần 45 tỉ đồng.
Duy nhất một nhà thầu tham gia là Liên danh Công ty Trường Sơn Đông Đô - Công ty TKXD 638 tham gia. Soi chiếu với quy định, thì đây cũng là gói thầu xây lắp thông thường, không thuộc diện lựa chọn nhà thầu theo phương thức “1 giai đoạn 2 túi hồ sơ”.
Không chỉ huyện Lệ Thủy mà rất nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình vi phạm quy định “1 giai đoạn 2 túi hồ sơ” trong đấu thầu như: Huyện Quảng Ninh tổ chức đấu thầu gói “Hạ tầng kỹ thuật tuyến đường D2 đô thị Dinh Mười”, với giá dự toán hơn 35 tỷ đồng; thị xã Ba Đồn có 2 gói thầu gồm: Xây dựng Quảng trường biển thị xã Ba Đồn và xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 khu dân cư phía Bắc tuyến tỉnh lộ 559B, xã Quảng Sơn, với tổng vốn của 2 gói thầu này hơn 83 tỷ đồng…
Áp dụng luật cũ để tổ chức đấu thầu
Trao đổi thực trạng này với một lãnh đạo Sở KH&ĐT Quảng Bình, vị này khẳng định, việc áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu “1 giai đoạn 2 túi hồ sơ” đối với những gói thầu xây lắp thông thường đưa ra đấu thầu sau ngày 1/1/2024 là phạm luật. “Về việc này chỉ duy nhất huyện Tuyên Hóa có gọi điện hỏi, tôi trả lời là nên chờ nghị định và thông tư hướng dẫn luật.
Có lẽ do áp lực giải ngân vốn đầu tư công nên một số địa phương đã nóng lòng áp dụng luật cũ để tổ chức đấu thầu” - vị lãnh đạo này nói và khẳng định, Sở KH&ĐT sẽ có văn bản chấn chỉnh và yêu cầu các chủ đầu tư áp dụng nghiêm túc các quy định của Luật Đấu thầu năm 2023.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-goi-thau-o-quang-binh-pham-luat-post1625627.tpo