Nhiều gợi ý, khuyến nghị chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế Việt Nam

Trong phiên toàn thể tọa đàm cấp cao với chủ đề 'Một số gợi ý đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam' tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 - Phục hồi và phát triển bền vững, vừa khai mạc sáng nay (5-12), các chuyên gia, đối tác của Việt Nam đã đưa ra nhiều gợi ý, nghiên cứu và khuyến nghị chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận buổi chiều của Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 tại điểm cầu Bình Phước

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp, kéo dài đã tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế sẽ không thể sớm phục hồi và tăng tốc.

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Anh, Đại học Indiana Bloomington chia sẻ về các chính sách tài khóa và tiền tệ của 3 đối tác kinh tế lớn là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu

Qua đó, tại diễn đàn, các chuyên gia, đối tác của Việt Nam đã đưa ra những gợi ý về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với Việt Nam; khuyến nghị chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế bền vững thời kỳ phục hồi sau đại dịch.

Tham gia thảo luận, các đại biểu tham dự cũng nhấn mạnh thêm thực trạng và những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời mong muốn thể chế hóa các chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, tiếp tục đẩy mạnh giải pháp phòng chống dịch và có các chính sách cụ thể về thuế, vốn để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, các chuyên gia và đại biểu cũng đánh giá cao tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng như khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam.

Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định những thử thách của đại dịch sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp

Trao đổi tại diễn đàn, Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, doanh nghiệp hiện nay không chỉ đối mặt với các vấn đề kinh doanh trực tiếp mà còn phải đối mặt với những vấn đề lớn hơn mang tính toàn cầu. Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn đưa ra 5 xu hướng về đầu tư kinh doanh trong bối cảnh mới gồm: sẵn sàng thay đổi, thích ứng tốt hơn, hướng nội hơn, xanh hơn, môi trường kinh doanh phải nhân văn và con người hơn.

Ông Huỳnh Thành Chung, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng, 3 chính sách có tác động lớn để phục hồi nền kinh tế là chính sách an sinh xã hội, chính sách sáng tạo và chuyển đổi số, chính sách tài khóa và tiền tệ

Tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ, ông Huỳnh Thành Chung, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nhận định, để hỗ trợ nền kinh tế phát triển, cần có một nguồn lực rất lớn. “Chúng ta phải tăng đầu tư công, tăng mức hỗ tợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đối với an sinh xã hội, tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp nhưng phải giảm lãi suất, giảm nguồn chi thường xuyên, đồng thời kiểm soát lạm phát” - ông Huỳnh Thành Chung nhấn mạnh.

Tọa đàm cấp cao với các chuyên gia và đối tác quan trọng của Việt Nam

Những ý kiến, trao đổi của các chuyên gia, đại biểu tại diễn đàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, phục vụ hiệu quả cho các quyết sách của Quốc hội về gói chính sách tài khóa, tiền tệ (hỗ trợ cho Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ) dự kiến sẽ được bàn thảo tại kỳ họp bất thường của Quốc hội trong thời gian tới.

Thu Thảo - Trương Hiện

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/128770/nhieu-goi-y-khuyen-nghi-chinh-sach-day-manh-phuc-hoi-kinh-te-viet-nam