Nhiều góp ý sát thực tế cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
LTS: Thực hiện kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, từ ngày 3-1-2023 đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị, sở, ngành trong tỉnh như: HĐND tỉnh, Sở TNMT, Đoàn Luật sư Đồng Nai… đã tổ chức lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, người dân về dự thảo luật. Từ số báo này, Báo Đồng Nai mở diễn đàn góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên trang 13 Bạn đọc. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Thực hiện kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, từ ngày 3-1-2023 đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị, sở, ngành trong tỉnh như: HĐND tỉnh, Sở TN-MT, Đoàn Luật sư Đồng Nai… đã tổ chức lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, người dân về dự thảo luật.
Từ số báo này, Báo Đồng Nai mở diễn đàn góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên trang 13 Bạn đọc. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Sau đây là ghi nhận các góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại hội nghị do Đoàn Luật sư Đồng Nai tổ chức mới đây.
* Kiến nghị bổ sung các quy định bảo vệ quyền của người sử dụng đất
Đa số ý kiến của các luật sư, luật gia tham dự hội nghị đều cho rằng, bố cục của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chặt chẽ, các chương, mục được sắp xếp theo từng nhóm vấn đề cần điều chỉnh, giúp người dân dễ tiếp thu và các quy định của dự thảo dễ đi vào cuộc sống, được xã hội đón nhận với tinh thần tích cực, đổi mới.
Tại hội nghị, các ý kiến thảo luận xung quanh 9 nội dung lớn như: thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về người sử dụng đất, quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; các trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả 1 lần suốt cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền hàng năm; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia - dân tộc...
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh LƯU THỊ HÀ đánh giá cao kết quả của hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Đoàn Luật sư Đồng Nai tổ chức. Hơn 30 ý kiến đóng góp của các luật sư, luật gia trên địa bàn tỉnh và các chuyên gia pháp lý đến từ các trường đại học trong, ngoài tỉnh rất trách nhiệm, trí tuệ, sát thực tế, đi thẳng vào mục đích yêu cầu cần góp ý cho dự thảo.
Ngoài ra, nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý góp ý nhiều về các quy định nhằm ngăn chặn được nạn phân lô bán nền đất nông nghiệp “núp bóng” đồng quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhóm người có chung QSDĐ. Kiến nghị dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chỉ cho phép người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới có chung quyền đồng sử dụng đất nông nghiệp và không quá nhiều người đồng sử dụng trong một diện tích đất nông nghiệp quá nhỏ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tại Chương VII - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (từ Điều 89-110), dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nên quy định thêm: đối với các dự án nhà ở thương mại, các dự án kinh tế nói chung do các nhà đầu tư thực hiện thì nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với người sử dụng đất để thu hồi đất, bồi thường giá trị đất bị thu hồi. Ý nghĩa của việc bổ sung quy định này vào dự thảo nhằm xác định rõ mục đích của dự án đó là gì, nếu dự án thương mại thì nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với dân. Còn dự án vì mục đích công cộng, cộng đồng, quốc phòng... mới do Nhà nước thu hồi.
TS Nguyễn Thị Tâm (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) góp ý, ở cuối Khoản 2, Điều 89 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nên bổ sung nội dung: người sống cùng với người có đất bị thu hồi có quyền yêu cầu bồi thường khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thay thuật ngữ “bằng đất” tại Khoản 4, Điều 3 của dự thảo bằng thuật ngữ “bằng QSDĐ” và Khoản 6, Điều 3 của dự thảo (giải thích về từ ngữ chiếm đất) nên quy định thành một điều luật riêng, tách khỏi Điều 3 của dự thảo.
* Cần bổ sung quy định đảm bảo QSDĐ của thành viên hộ gia đình
Tại Khoản 2, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định, hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có QSDĐ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình).
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Tuyến, nguyên Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh góp ý nên bổ sung cụm từ: “do đóng góp công sức, tiền của để cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung” vào cuối quy định tại Khoản 2, Điều 5 của dự thảo nhằm xác định tư cách thành viên gia đình trong sử dụng đất chung
của hộ.
Đồng thời, luật sư Tuyến bày tỏ quan điểm khi góp ý Điều 47 của dự thảo (quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với QSDĐ ở tại Việt Nam) là nên cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền thừa kế đất ở, nhà ở (không hạn chế 1 căn nhà duy nhất hay thửa đất duy nhất). Như vậy mới phù hợp với quy định về quyền của người sử dụng đất là được thừa kế, tặng cho (Khoản 1, Điều 28 dự thảo) và phù hợp với thực tế hiện nay.
Cũng trao đổi về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định (Hội Luật gia tỉnh) đồng ý với quan điểm nên cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền thừa kế di sản đất ở, nhà ở. Bởi thực tế, có rất nhiều trường hợp cha mẹ có rất nhiều nhà, đất (do khai hoang, thừa kế từ ông bà). Vì nhiều lý do, hoàn cảnh mà con của họ phải sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Họ vẫn muốn hưởng di sản thừa kế này, không muốn bán, giao cho ai khác nắm giữ, để có chỗ thường xuyên về nước thăm quê hương.
Do đó, tại Khoản 5, Điều 47 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định, người nhận thừa kế trong các trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 3 và Khoản 4, Điều 47 được ủy quyền bằng văn bản cho người trông nom hoặc tạm sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy sẽ vô tình ảnh hưởng tới quyền của người nhận thừa kế trong trường hợp này, dễ dẫn tới nguy cơ phát sinh tranh chấp, không đảm bảo QSDĐ của người hưởng thừa kế. Cho nên, cần sửa theo hướng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện đầy đủ quyền của người sử dụng đất có được từ thừa kế theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.