Nhiều GV tốn tiền triệu học chứng chỉ, lương mới thêm được hơn 22 nghìn đồng
Nhiều GV đang hưởng lương bậc 6, hệ số lương 3,99, giờ lên 4,0, ở mức lương mới thì mức tiền chênh lệch là 22.871 đồng.
Ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và chùm Thông tư này có hiệu lực vào ngày 20/3/2021.
Trước những ý kiến trái chiều về chùm thông tư này, ngày 14/4/2023, Bộ ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT. Thực hiện hướng dẫn của Bộ, một số địa phương đã thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương mới cho giáo viên và hiện nay một số nơi giáo viên đã được lĩnh lương mới, hoặc truy lĩnh vì đã có quyết định bổ nhiệm, xếp lương mới từ nhiều tháng trước.
Tuy nhiên, có giáo viên chênh lệch mỗi tháng lên hàng triệu đồng nhưng cũng không ít giáo viên chỉ được hưởng chênh lệch hơn 22 nghìn đồng/ tháng. Nhiều giáo viên tiếc nuối vì họ đã bỏ ra tiền triệu để học chứng chỉ để bây giờ mỗi tháng nhận tiền chênh lệch bằng …1 ly cà phê mà thôi.
Đầu tư 8 triệu học chứng chỉ, giờ lương mới mỗi tháng chênh lệch hơn 22 nghìn đồng
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố dự thảo chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, đa phần giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập ở các địa phương đều phải đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng.
Lúc đó, các trường đại học sư phạm tỏa về các tỉnh về mở lớp rầm rộ lắm. Họ không chỉ mở lớp tại cơ sở chính của trường mà còn kết hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên mở lớp. Những trường tiểu học; trung học cơ sở; trung học phổ thông mà đăng ký đủ số lượng là trường đại học mở lớp dạy ngay tại trường của học viên đăng ký.
Thời điểm đó, các trường học thường xuyên nhận được email thông báo chiêu sinh được chuyển tiếp từ sở, phòng giáo dục chuyển về trường. Khi họp hội đồng sư phạm thì nhiều hiệu trường luôn nhắc nhở giáo viên đi học để đảm bảo quyền lợi và không phải xuống hạng thấp hơn.
Không chỉ học trực tiếp mà nhiều trường sư phạm, trung tâm còn đẩy thông báo chiêu sinh mở lớp trực tuyến vào buổi tối. Thời điểm đó, việc giáo viên đi học chứng chỉ bồi dưỡng như đã là điều đương nhiên nên đa phần giáo viên các trường đều đăng ký học.
Có lẽ, các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập chỉ còn lại một số thầy cô cận tuổi hưu và những thầy cô chưa đạt chuẩn trình độ là chưa đi học. Mỗi chứng chỉ dù bồi dưỡng trực tiếp hay trực tuyến cũng đều có giá dao động 2 đến 2,5 triệu đồng và giáo viên phải bỏ tiền túi ra học.
Một giáo viên trung học cơ sở ở một tỉnh phía Nam chia sẻ, trước “làn sóng” giáo viên đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cô cũng đành phải bỏ ra 2,5 triệu đồng để học.
Ngoài ra, cô cùng một số đồng nghiệp tham gia ôn và thi chứng chỉ ngoại ngữ B1 hết 5,5 triệu đồng. Tổng cộng 2 chứng chỉ hết 8 triệu đồng đóng cho trường sư phạm và trung tâm ngoại ngữ.
Thế nhưng, vừa qua khi lĩnh lương mới theo hướng dẫn Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT thì tiền lương của cô chênh lệch 22.871 đồng so với lương cũ. Bởi vì trước đây cô đang là giáo viên hạng II, hưởng lương bậc 6, hệ số 3,99 thì nay cũng được bổ nhiệm hạng II mới, hưởng lương mới bậc 1, hệ số 4,0 nên hệ số lương chênh lệch là 0,01.
Vì thế, nếu đem chia 8 triệu đồng học chứng chỉ để nhận mỗi tháng 22.871 đồng mỗi tháng thì phải mất 350 tháng (gần 30 năm nữa) mới có thể thu lại hòa vốn ban đầu. Trong khi, theo dự kiến thì ngày 01/7/2024 là nhà nước trả lương theo vị trí việc làm và tất nhiên sẽ có những thay đổi.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều giáo viên đầu tư học chứng chỉ đã được tăng khá nhiều, nhất là thầy cô đang hưởng lương bậc 4 (hệ số 3,33); bậc 5 (hệ số 3,66) đều được bổ nhiệm hạng II mới, xếp lương bậc 1, hệ số 4,0 nên mức chênh lệch khá lớn.
Nếu giáo viên đang đang hưởng lương bậc 4 (hệ số 3,33) khi hưởng lương mới sẽ chênh lệch hệ số 0,67 tương đương với mức tiền lương chênh lệch với lương cũ là 1.532.391 đồng/ tháng.
Nếu giáo viên đang đang hưởng lương bậc 4 cũ (hệ số 3,33) thì khi hưởng lương mới có hệ số 4,0 sẽ chênh lệch hệ số 0,34 tương đương với mức tiền chênh lệch 777.631 đồng.
Cá biệt, có những địa phương có quyết định bổ nhiệm hạng cho giáo viên trước thời điểm Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ban hành nên giáo viên hạng II cũ đang ở mức lương bậc 3 (hệ số 3,0) cũng được bổ nhiệm hạng II mới, hưởng lương bậc 1 (hệ số 4,0) nên hệ số chênh lệch là 1,0.
Mức tiền chênh lệch giữa lương mới với lương cũ là 2.287.150 đồng.
Vì thế, dù có thể là giáo viên cùng tổ chuyên môn, cùng trường với nhau, cùng học chứng chỉ như nhau nhưng mức chênh lệch giữa lương cũ, lương mới của từng giáo đang rất khác xa nhau. Người hưởng chênh lệch thấp nhất là 22.871 đồng/tháng và người hưởng chênh lệch cao nhất là 2.287.150 đồng/tháng (chênh lệch gần 100 lần).
Việc dự thảo và cả ngay cả khi Bộ chính thức ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT hoặc mới đây nhất là Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã không có sự thống nhất về chuyển hệ số lương cũ sang hệ số lương mới mà các loại chứng chỉ ngoại ngữ; tin học; chức danh nghề nghiệp.
Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên phải học nhiều loại chứng chỉ như hướng dẫn ban đầu rất tốn kém, sau này Bộ có điều chỉnh các tiêu chí về chứng chỉ nhưng nhiều giáo viên đã học rồi nên việc điều chỉnh cũng không còn ý nghĩa.
Rõ ràng, việc bỏ ra tiền triệu để học chứng chỉ nhưng khi hưởng lương mới chỉ chênh lệch vài chục nghìn đồng/ tháng đã khiến không ít giáo viên nuối tiếc. Bởi lẽ, ngay cả giáo viên không học chứng chỉ gì, bị xuống hạng III so với hạng II trước đây thì lương, hệ số vẫn hưởng như cũ.
Trong khi nhiều giáo viên đang hưởng lương bậc 6, hệ số lương 3,99 ở mức lương cũ, giờ lên hệ số 4,0 ở mức lương mới mà thì mức tiền chênh lệch thực ra chẳng đáng là bao. Hơn 20 nghìn đồng/ tháng mà phải đầu tư nhiều triệu đồng, phải bố trí đi học ròng rã cả chục ngày trời rõ ràng không tương xứng với công sức mà giáo viên đã bỏ ra.