Nhiều hệ lụy từ khai thác tài nguyên khoáng sản

Khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) thông thường là việc làm cần thiết, phục vụ san lấp mặt bằng, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, hệ thống giao thông và xây dựng cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã lợi dụng việc được cấp phép khai thác TNKS để tận thu, gây ra những hệ lụy về môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân; điển hình tại xã Tử Du, huyện Lập Thạch.

Đường vào mỏ đất đồi Guồng, thuộc thôn Guồng, xã Tử Du tạo thành những rãnh sâu, với chiều dài hàng trăm mét, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân

Đường vào mỏ đất đồi Guồng, thuộc thôn Guồng, xã Tử Du tạo thành những rãnh sâu, với chiều dài hàng trăm mét, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân

Theo Quyết định số 1195 của UBND tỉnh về quy hoạch khai thác khoáng sản vật liệu thông thường (đất san lấp) phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh, trên địa bàn xã Tử Du có các khu vực được phép khai thác gồm Đồi Bờ Núi, Chùa Mèn, Rừng Sậu, Bò Mía, Bò Bò, Rừng Sòi, Đồng Cùng, Guồng và núi Quạn.

Từ năm 2015 đến nay, xã Tử Du có 8 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó có 5 DN còn thời hạn khai thác và đang làm thủ tục xin gia hạn khai thác là Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác khoáng sản Miền Bắc, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Như Ngọc, Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại và Dịch vụ Đại Minh, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Trường Thịnh và Công ty TNHH MTV Trường Thịnh.

Sau khi hết thời hạn khai thác, phần lớn các DN đều hoàn thiện thủ tục đóng cửa mỏ và hoàn nguyên, trả lại hiện trạng theo đúng cam kết.

Câu chuyện về việc DN hết thời hạn khai thác và thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như thời điểm năm 2010 không xảy ra sự việc Công ty Cổ phần Prime Đại An được phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản đất sét tại đồi Guồng, thuộc thôn Guồng từ Công ty Cổ phần Prime Khoáng sản với thời hạn khai thác là 2 năm, trữ lượng khai thác trên 216.000 m3.

Đến năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2283 về việc đóng cửa mỏ của Công ty Cổ phần Prime Đại An; song, thay vì thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường và hoàn nguyên sau khai thác thì từ đó đến nay, mỏ đất nơi đây vẫn giữ nguyên hiện trạng như lúc đang được DN khai thác.

Theo quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn trong khai thác mỏ, khi khai thác, DN phải tạo tầng để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác TNKS.

Tuy nhiên, theo quan sát, giữa một vùng đất rộng lớn là khung cảnh tan hoang nham nhở, mỏ đất được khai thác theo chiều thẳng đứng, sâu hoắm vào trong như hàm ếch, khiến địa hình trong khu vực này bị biến dạng hoàn toàn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Trên tuyến đường vào mỏ đất, do đi qua khu dân cư, đất đá vương vã, nếu trời mưa, mặt đường bê bết bùn đất, trơn trượt, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Do tiếc đất trống, một số người dân trong thôn đã thuê máy ủi, máy múc để san gạt, trồng cây lâm nghiệp. Trên khu vực đất bằng phẳng, những cây keo, cây bạch đàn sinh trưởng và phát triển chậm do đất cằn cỗi, hoang hóa.

Bà Trần Thị Khuyên, một trong những hộ dân có đất thuộc diện thu hồi tại khu vực đồi Guồng than vãn: “Nhiều năm trôi qua, DN hết thời hạn khai thác nhưng vẫn chưa hoàn nguyên. Tôi và một số hộ trong thôn chưa lấy lại được đất để trồng trọt, phát triển kinh tế.

Chúng tôi cũng kiến nghị UBND huyện Lập Thạch, Sở Tài nguyên và Môi trường tại các hội nghị tiếp xúc cử tri mà chưa được giải quyết. Đến nay, chúng tôi không còn chờ đợi DN về hoàn nguyên khôi phục hiện trạng nữa mà chỉ mong muốn được bàn giao lại đất để tiếp tục canh tác, phát triển kinh tế”.

Ông Đỗ Trung Hội, Trưởng thôn Guồng cho biết: “Cả một khu đồi đất đai phì nhiêu, rộng lớn vốn là nơi trồng cây lâm nghiệp của các hộ dân trong thôn trước khi DN được cấp phép vào khai thác, nay trở nên hoang hóa, cằn cỗi, nham nhở đất đá. Đường giao thông thì xuống cấp nghiêm trọng do quá trình DN khai thác đất, khiến việc lưu thông của nhân dân vô cùng khó khăn”.

Ngoài ra, tại khu vực đồi Gẳm, thuộc thôn Gẳm, hiện do Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Như Ngọc đang khai thác với tổng diện tích 2.774 ha, do vị trí khai thác cách xa các tuyến đường liên xã, đường tỉnh nên DN đã thuê đất của các hộ dân để lấy đường vận chuyển đất ra tuyến đường liên thôn rồi đi ra các tuyến đường tỉnh, đường huyện…

Trong quá trình vận chuyển, các loại xe có trọng tải lớn, xe ba chân, bốn chân vận chuyển đất chạy qua tuyến đường liên xã thuộc khu dân cư, đường liên thôn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến kết cấu đường.

UBND xã Tử Du đã đề nghị DN chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai thác TNKS và bảo vệ môi trường như tưới nước giảm bụi; khai thác và vận chuyển đất vào giờ hành chính; khắc phục những hư hỏng trên tuyến nếu để sụt lún, biến dạng mặt đường… Đến nay, tình trạng lưu thông của các xe qua địa bàn cơ bản tuân thủ cam kết với chính quyền.

Phó Chủ tịch UBND xã Tử Du Trần Văn Lương cho biết: “Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đại diện Công ty Cổ phần Prime Đại An đã gặp các hộ dân thôn Guồng để thuyết phục họ ký vào bản cam kết không yêu cầu hoàn nguyên và được người dân chấp thuận.

Trong khi vấn đề bàn giao lại đất cho nhân dân canh tác không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương nên chúng tôi chỉ có thể chờ đợi chỉ đạo từ cấp trên.

Mỏ đất được khai thác theo chiều thẳng đứng, thậm chí sâu hoắm vào trong khiến địa hình trong khu vực này bị biến dạng hoàn toàn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào

Mỏ đất được khai thác theo chiều thẳng đứng, thậm chí sâu hoắm vào trong khiến địa hình trong khu vực này bị biến dạng hoàn toàn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào

Đối với các DN được cấp phép khai thác TNKS trên địa bàn, chúng tôi yêu cầu DN chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai thác TNKS để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 2 Điều 81 cũng như trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo quy định tại Khoản 3 Điều 18, Luật Khoáng sản đang có hiệu lực.

Đồng thời, tiếp tục giao nhiệm vụ cho các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng thôn phối hợp với lực lượng Công an xã thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác trái phép TNKS, báo cáo kịp thời UBND xã để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Bài, ảnh: Bảo Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76694/nhieu-he-luy-tu-khai-thac-tai-nguyen-khoang-san.html