Nhiều hệ lụy từ sử dụng thiếu kiểm soát thức uống có đường của giới trẻ hiện nay
Trong khuôn khổ tọa đàm 'Tìm hiểu về tác hại của đồ uống có đường đối với thanh thiếu nhi hiện nay', do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức sáng 16/5 tại Hà Nội, hàng loạt thông tin nghiên cứu đáng báo động đã được đưa ra, cho thấy những hệ lụy không nhỏ từ những món uống 'khoái khẩu' của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Hiền trình bày nghiên cứu tại Tọa đàm.
Mở đầu tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng quốc gia) đã dẫn một số báo cáo cho biết: thanh thiếu nhi nước ta ngày càng dễ tiếp cận, sử dụng đồ uống có đường mọi lúc, mọi nơi. Sự hấp dẫn của các loại đồ uống có đường đã đánh trúng sở thích, thị hiếu của giới trẻ, dẫn đến việc sử dụng thiếu kiểm soát. Trong khi đó, có rất ít gia đình, cá nhân coi trọng vấn đề này.
Nếu như năm 2009, tổng lượng nước ngọt tiêu thụ ở Việt Nam dừng lại ở mức xấp xỉ 1,59 tỷ lít, thì đến năm 2023 đã tăng vọt hơn 4 lần, lên khoảng 6,67 tỷ lít. Tính bình quân đầu người trong cùng giai đoạn này, mức tiêu thụ cũng tăng từ 18,5 lít lên 66,5 lít/người (tăng 350%). Ước tính, giai đoạn 2023-2028 sẽ chứng kiến lượng tiêu thụ nước ngọt tăng tổng cộng 36,6%.
"Về tác hại trước mắt, việc tiêu thụ nước ngọt thường xuyên ở các bạn trẻ có lối sống tĩnh tại, ít vận động sẽ gây ra những ảnh hưởng rất nặng nề cho sức khỏe như giảm ngưỡng no, tăng tiêu thụ các thực phẩm kém lành mạnh khác. Ngoài ra, việc này còn tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc chết vì nhồi máu cơ tim đến 20% ở nam, 40% ở nữ; tăng 18% nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến béo phì; tăng nguy cơ bị gãy xương gấp 2,72 lần và mắc đái tháo đường loại 2 lên 26%", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Đông đảo bạn trẻ tham gia Tọa đàm.
Cũng theo chuyên gia đến từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, thanh thiếu niên không nên tiêu thụ quá 25 gram đường tự do (tương đương 6 thìa cà-phê) mỗi ngày. Con số này bao gồm đường có sẵn trong các loại siro, nước ép hoa quả, nước trái cây cô đặc, đồ uống chứa đường bổ sung trong quá trình sản xuất, đường trong những món ăn hằng ngày...
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) khẳng định: cần bắt đầu càng sớm càng tốt việc giáo dục về sức khỏe, nhất là ở lứa tuổi tiểu học-giai đoạn hình thành thói quen lâu dài. Cụ thể, việc được trang bị kiến thức đúng sẽ giúp trẻ em có lối sống lành mạnh, giảm dần sự lệ thuộc vào các sản phẩm có đường.
Đồng chí Cù Đức Quân, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn, Trưởng Ban tổ chức tọa đàm, cho biết: liên tục trong những năm qua, Trung ương Đoàn luôn chú trọng đẩy mạnh giáo dục, định hướng lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ thông qua các chương trình, hoạt động, tạo môi trường nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất.

Đồng chí Cù Đức Quân phát biểu ý kiến tại Tọa đàm.
Theo đồng chí Cù Đức Quân, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn Thanh niên trên cả nước sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị y tế liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giới trẻ về tác hại của đồ uống có đường, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh, chủ động, tự tin và tích cực.