Nhiều hệ lụy từ việc cầm sổ bảo hiểm xã hội

Việc cầm sổ BHXH vừa bất hợp pháp vừa bất lợi cho cả người cầm lẫn người nhận cầm sổ BHXH.

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, anh NHK, một công nhân tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết anh và một số người ở khu trọ do gặp khó khăn về kinh tế nên phải cầm sổ BHXH. Gần khu trọ anh ở có tiệm cầm đồ chuyên nhận cầm của người lao động (NLĐ) nhưng họ lấy lãi suất quá cao.

Trên thực tế, việc cầm sổ BHXH là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ gây hệ lụy cho cả người cầm lẫn người làm dịch vụ cầm đồ.

Nhận cầm sổ BHXH

Anh NHK cho biết anh làm công nhân tại Công ty P ở quận Bình Tân. Trước đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công việc của anh gặp nhiều khó khăn. Vì không có tiền đóng tiền trọ và được một người bạn giới thiệu nên anh mang sổ BHXH đến cầm tại một tiệm cầm đồ trên đường Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo.

Việc cầm sổ BHXH sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ảnh: MINH HOÀNG

Việc cầm sổ BHXH sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ảnh: MINH HOÀNG

“Sau khi kiểm tra sổ BHXH, chủ tiệm cầm đồ báo lãi suất là 150.000 đồng/1 triệu đồng/tháng. Dù biết lãi suất cao nhưng quá khó khăn nên tôi chấp nhận. Những tưởng được lấy đủ số tiền là 3 triệu đồng như thỏa thuận nhưng chủ tiệm cầm đồ chỉ đưa cho tôi 2.550.000 đồng, còn 450.000 đồng trừ vào tiền lãi hằng tháng. Trường hợp của tôi vì vay ít nên không bị ký giấy ủy quyền trước khi nhận tiền. Như trường hợp của bạn tôi cũng cầm sổ để vay 10 triệu đồng. Trước khi nhận tiền, chủ tiệm yêu cầu phải ký giấy ủy quyền nhận BHXH một lần nếu không trả đúng hạn gốc và lãi đã vay” - anh K cho biết thêm.

Theo thông tin từ anh K cung cấp, ngày 19-4, PV đã đến một tiệm cầm đồ trên đường Trần Thanh Mại. Tại đây, PV đã đưa cho nhân viên tiệm cầm đồ xem sổ BHXH với mong muốn cầm để lấy tiền trang trải cuộc sống.

Nhân viên tiệm cầm đồ sau khi xem sổ cho biết tại đây có nhận cầm sổ BHXH nhưng chỉ nhận với những sổ ở trong quận Bình Tân. Ngoài ra, đối với những sổ có thời gian đóng BHXH hơn 10 năm và người cầm đang làm việc thì phải là khách quen mới nhận cầm.

Nhiều hệ lụy khi cầm sổ BHXH

Liên quan đến tình trạng cầm sổ BHXH, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết việc cầm sổ BHXH sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, kể cả người nhận cầm sổ.

Theo Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH và không quy định cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp NLĐ đem sổ BHXH đi cầm. Việc cấp lại sổ chỉ được thực hiện đối với trường hợp sổ bị hư hỏng, mất mát.

Theo ông Hà, việc cầm sổ BHXH sẽ phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Cụ thể, nếu NLĐ mang sổ BHXH đi cầm thì thông thường sẽ phải trả với lãi suất cao. Trong trường hợp không trả được khoản vay, nếu không có sổ thì cũng không được hưởng những quyền lợi như nhận BHXH một lần. Trong khi đó, nếu NLĐ đủ điều kiện sẽ nhận BHXH cao hơn nhiều so với số tiền mà NLĐ mang đi cầm.

Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp NLĐ mang sổ BHXH đi cầm xong lại làm thủ tục cấp lại sổ mới và nếu phát sinh tranh chấp thì có thể vi phạm pháp luật với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối với người nhận cầm sổ BHXH cũng có không ít rủi ro. Bởi đã có những trường hợp NLĐ sau khi đã cầm nhưng liên hệ cơ quan BHXH báo mất và được cấp sổ mới. Sau đó, NLĐ nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần. Lúc này người nhận cầm cố sẽ mất tiền thế chấp.

Ngoài ra, nếu chẳng may người cầm sổ BHXH chết thì theo quy định là phải giải quyết trợ cấp tuất. Trợ cấp tuất này chỉ giải quyết cho thân nhân NLĐ. Chính vì thế, người nhận cầm sẽ không được giải quyết chế độ BHXH một lần dù đã được NLĐ ký giấy ủy quyền nhận BHXH một lần.

“Với tình hình thực tế trên, rõ ràng việc cầm sổ BHXH vừa bất hợp pháp vừa bất lợi cho cả người cầm lẫn người làm dịch vụ cầm đồ. Trong khi đó, sổ BHXH là điểm tựa an sinh ổn định cho cuộc sống của NLĐ, có lợi ích về lâu dài. Vì thế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, không nên cầm sổ BHXH để bảo vệ quyền lợi cho mình” - ông Hà nhận định.

Trục lợi chính sách BHXH có thể bị xử hình sự

Theo quy định hiện nay, sổ BHXH được cấp sẽ giao cho từng NLĐ giữ để theo dõi việc đóng, hưởng chế độ BHXH. Thế nhưng cũng có trường hợp NLĐ gặp khó khăn đã xem sổ BHXH như một tài sản nên mang đi cầm và cũng có trường hợp trả gốc lẫn lãi không nổi nên bị người cầm sổ ép ký giấy ủy quyền “bán lúa non”, đi giải quyết chế độ BHXH một lần. Trên thực tế đã có các “đầu nậu” cầm cố, mua bán sổ BHXH của NLĐ để trục lợi chính sách.

Việc mua bán sổ BHXH là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, về chế tài với người cầm, mua sổ BHXH ra sao thì phải căn cứ vào tình hình thực tế và hậu quả như thế nào.

Theo đó, người nhận cầm sổ có yếu tố trục lợi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 214 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, luật quy định người nào thực hiện một trong các hành vi như lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH lừa dối cơ quan BHXH để chiếm đoạt tiền BHXH từ 10 triệu đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Luật sư TRỊNH NGỌC HOÀN VŨ, ĐoànLuật sưTP.HCM

NGUYỄN HIỀN - HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-he-luy-tu-viec-cam-so-bao-hiem-xa-hoi-post729587.html