Nhiều hiến kế tâm huyết cho quy hoạch chung của TP HCM
Nhiều ý kiến đóng góp cho công tác quy hoạch của TP định hướng đến năm 2040, tầm nhìn 2060.
Sáng 15-4, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm "Đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TPHCM". Buổi tọa đàm có sự tham gia của đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, kiến trúc sư, kỹ sư và người dân TP.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM, tọa đàm tập trung đi vào những ý tưởng, mong muốn, những phản ánh từ người dân và chuyên gia. "Chúng tôi sẽ lắng nghe, ghi nhận, phân tích, từ đó sử dụng những ý kiến này một cách thỏa đáng, trân trọng và đầy đủ" - ông nói.
Buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho công tác quy hoạch của TP định hướng đến năm 2040, tầm nhìn 2060.
Ông Trần Văn Trãi, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Trung Đông Hưng, cho rằng cần lồng ghép quy hoạch theo hướng thành phố xanh, trong đó có mô hình khu đô thị sinh thái.
"Tôi hình dung nếu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) rộng khoảng 427 ha có lợi thế sông nước bao bọc, cảnh quan xanh đẹp trở thành đô thị sinh thái và du lịch thì lúc ấy sẽ tăng cường đáng kể không gian thoáng đãng" – ông Trãi lấy ví dụ.
Theo ông Trãi, vùng đất Tây Bắc nếu được khai thác đúng mức không chỉ tăng mảng xanh đáng kể mà còn phát triển kinh tế, gia tăng ngân sách. Từ đó, góp phần giải quyết kẹt xe, ngập nước và kéo giãn dân số cho nội thành, khu Đông và khu Nam, hình thành khu đô thị thông minh cho TP HCM.
Còn theo TS-KTS Lê Quang Ninh, nguyên chủ nhiệm chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc TP HCM, cần nâng cao bản sắc văn hóa trong quy hoạch tổng mặt bằng TP HCM.
Ông Ninh cho rằng không gian văn hóa cộng đồng lớn của TP HCM trong tương lai cần hướng vào Công viên khoa học của thành phố Thủ Đức. Bởi theo vị chuyên gia này, đây sẽ là bộ não của TP HCM trong nay mai, chính vì thế văn hóa cùng với kinh tế - xã hội thúc đẩy con tàu đô thị này hướng tới tương lai phát triển mới.
Kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường nói rằng TP HCM quy hoạch phải gắn với sông Sài Gòn. Ông Trường đề nghị rà soát quỹ đất dọc dòng sông này và cần một chủ trương đúng đắn, thích hợp nhất để phát triển bền vững.
Theo ông Trường, cần xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn; dừng ngay và không cấp phép thêm các dự án ven sông, lấn mặt tiền sông. Cùng với đó, xem lại 83 dự án đầu tư nhà ở, khu phức hợp nhà ở thương mại, dịch vụ, khu công viên vui chơi giải trí với diện tích thống kê chưa đầy đủ đã hơn 454 ha.
"Để khai thác hiệu quả sông Sài Gòn cùng quỹ đất hai bên bờ, phải có tiêu chí rõ ràng theo một hệ thống xuyên suốt. Cần một quy hoạch tổng thể trọn vẹn trên cơ sở định hướng phát triển bền vững và có đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo lộ trình đề ra, tránh tư duy nhiệm kỳ" – ông Tường nên quan điểm.
Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, cho biết những hiến kế của chuyên gia và người dân là những ý kiến quan trọng, đóng góp vào việc điều chỉnh định hướng quy hoạch chung của TP trong thời gian tới.
Cũng theo ông Phạm Văn Trường, diễn đàn này sẽ được kéo dài trong thời gian tới để tập hợp thêm nhiều ý kiến đóng góp của tất cả tầng lớp nhân dân trong và ngoài TP, kể cả nước ngoài cho việc điều chỉnh quy hoạch TP.