Nhiều hộ dân giảm nghèo nhờ trồng cây vầu
Người dân khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa luôn xem cây vầu là loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và cho thu nhập cao hơn so với các loại cây khác.
Chính vì vậy ngành lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tập trung mở rộng diện tích và đầu tư phục tráng rừng vầu, vận động người dân trồng cây vầu gắn với phát triển mô hình sinh kế. Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp, cùng chính sách hỗ trợ, nên diện tích rừng vầu trồng thâm canh trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tăng nhanh, góp phần xóa đói giảm nghèo tại khu vực miền núi còn nhiều khó khăn.
Xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn, có trên 4.000 ha trồng vầu đang đem lại nguồn thu nhập chính cho trên 90% hộ dân trong xã. Để phát triển diện tích trồng cây vầu, UBND xã Tam Lư đã triển khai hiệu quả các giải pháp, cùng chính sách hỗ trợ người dân trồng cây vầu. Nhờ đó, người dân trên địa bàn đã tăng thêm thu nhập từ cây vầu, trung bình các hộ trồng vầu trên địa bàn có doanh thu từ 80-300 triệu đồng/năm, hiện thu nhập bình quân của xã đã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.
Ông Vi Văn Piên, Bản Hậu, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn cho biết, thực hiện chủ trương phát triển cây vầu của xã, gia đình đã đi đầu trong trồng cây Vầu từ năm 2013 với 1 ha diện tích, khi bắt đầu trồng cây vầu gia đình được UBND xã Tam Lư hỗ trợ phân bón từ chương trình phục tráng rừng, cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất. Đến năm 2018, toàn bộ diện tích rừng Vầu của ông đã được cấp chứng chỉ rừng FSC, hiện rừng đáng phát triển rất tốt. So với ngày trước, một diện tích thu hoạch từ 75 – 80 triệu đồng thì giờ đây là 120 triệu đồng. Tính đến nay, tổng diện tích đất rừng trồng cây vầu của ông Piên là 5 ha, nhờ trồng cây vầu mà gia đình ông Vi Văn Piên đã vươn lên thoát nghèo
Theo ông Vi Văn Thạnh, Chủ tịch UBND xã Tam Lư, huyện Quan Sơn cho hay, vài năm trở lại đây, người dân trên địa bàn xã đã triển khai mô hình trồng cây vầu làm hướng đi mới trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, cây Vầu được người dân bán cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu phục vụ cho việc cung cấp nguyên liệu làm mây tre đan, bột giấy, đồ trang trí thủ công mỹ nghệ, tăm và vật liệu xây dựng... Thời gian tới, UBND xã sẽ phối hợp với hạt kiểm lâm, đồn biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền và mở rộng diện tích vầu, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.
Tại xã biên giới Yên Khương, huyện miền núi Lang Chánh có tổng diện tích rừng vầu trên 580,7 ha; trong đó, vầu tự nhiên 180 ha, vầu trồng thâm canh 407 ha. Thời gian qua, UBND xã Yên Khương đã hướng dẫn cho các hộ dân thực hiện phát dọn vệ sinh rừng vầu, chặt bỏ cây sâu bệnh, già cỗi, tạo đất tơi xốp, tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng để cây phát triển. Ngoài ra, các diện tích vầu được trồng mới, xã đã hướng dẫn các hộ thực hiện kỹ thuật ươm hạt vầu giống để cung cấp cho bà con trong xã và các xã lân cận. Nhờ đó, cây vầu phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.
Hiện nay, với mức giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/tấn, mỗi ha vầu lâu năm cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác. Ngoài thu nhập từ bán vầu nguyên liệu, người dân trong xã còn tham gia làm nan thanh, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định. Nhờ trồng cây vầu, thu nhập bình quân đầu người của xã Yên Khương tính tới nay đã đạt 19,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 29%.
Chị Lữ Thị Bảy, trú tại bản Bôn, xã Yên Khương cho biết, để thực hiện mô hình trồng cây vầu, gia đình chị đã sang huyện vùng biên Quan Sơn để học hỏi kinh nghiệm ươm giống, cùng với kỹ thuật học được ở trường đại học và cán bộ địa phương, chị đã thành công trong ươm giống và trồng cây vầu đến trồng và bán cho người dân địa phương, thu nhập ngày càng tăng cao.
Hiện trung bình một mầm cây vầu gia đình chị bán với giá 8.000-10.000 đồng, mỗi đợt ươm giống xong, gia đình chị xuất bán từ 3.000-6.000 cây giống, thu về từ 24-40 triệu đồng. Hiện thu nhập bình quân của gia đình chị đạt 120-140 triệu đồng/năm, chị còn tạo việc làm cho 20 nhân công là người địa phương có việc làm với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng
Theo ông Lò Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, địa phương đã đề xuất báo cáo cấp trên thực hiện dự án phục tráng rừng vầu, quảng bá vầu đắng ra thị trường và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, trước mắt UBND xã sẽ tập trung chuyển đổi diện tích cây lâm nghiệp kém sang trồng cây vầu; đồng thời, mỗi năm sẽ trồng thêm 10 ha diện tích cây vầu. Thời gian tới, xã sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác hiệu quả, đúng phương pháp trồng cây vầu để nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tỉnh hiện có 9.500 ha thâm canh cây vầu, phân bố tại 5 huyện miền núi gồm huyện Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Mường Lát; trong đó, có 4.292 ha rừng vầu được cấp chứng chỉ FSC, chiếm 45% diện tích. Đây là loài trồng một lần và cho thu hoạch sớm, thời gian thu hoạch kéo dài, mỗi ha vầu trồng 2 năm đầu tiên có thể thu hoạch làm trà dưa, cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng/ha. Nếu trồng từ 4 năm trở lên cho thu nhập vầu nguyên liệu khoảng 40 triệu đồng/ha và từ 7 năm trở lên cho thu nhập 60-70 triệu đồng/ha, đây là mức thu nhập này cao gấp 3-4 lần so với trồng keo.
Ông Thiều Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa khẳng định, thời gian tới chi cục sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân và chủ rừng khai thác rừng vầu đúng quy trình. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện để cấp chứng chỉ FSC và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư, liên doanh liên kết để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm tre luồng.
Được biết, cây vầu phân bố chủ yếu ở địa bàn biên giới của tỉnh Thanh Hóa với diện tích không nhiều, trong khi nhu cầu sử dụng nguyên liệu này khá lớn nên đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương miền núi đẩy mạnh thâm canh loại cây này. Ngoài mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, việc phát triển cây vầu còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, gia tăng độ che phủ của rừng.