Nhiều hộ dân ở Lăng Cô, Lộc Vĩnh mong chờ có nước sạch

Nhiều năm nay, không ít hộ dân ở thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc vẫn sống trong cảnh thiếu nước sạch. Nguồn nước từ giếng bơm không đảm bảo nên người dân luôn mong chờ có nước sạch để sinh hoạt.

 Người dân ở xóm Bãi sử dụng nước giếng để sinh hoạt

Người dân ở xóm Bãi sử dụng nước giếng để sinh hoạt

Nguồn nước không đảm bảo

Vừa bơm thử nước giếng khoan, bà Huỳnh Thị Sơ (xóm Bãi, tổ dân phố An Cư Tây, thị trấn Lăng Cô) vừa chỉ vào màu nước và nói: “Dù đã đầu tư bể lọc 15 triệu đồng, nhưng nước vẫn có phèn. Đây là nguồn nước duy nhất của gia đình để phục vụ ăn uống sinh hoạt ”.

Gần nhà bà Sơ, những người trong gia đình hộ ông Trương Định cũng lo âu. Một thành viên trong gia đình kể: “Chỉ có nước uống là mua nước đóng chai lớn. Mọi sinh hoạt đều phải dùng nước giếng khoan. Người dân địa phương lo lắng nếu không có nước sạch, dùng nước giếng khoan lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Theo ông Nguyễn Văn Trịnh, Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) An Cư Tây, toàn TDP có 258 hộ dân; trong đó, khoảng 100 hộ ở xóm Trong dùng nước tự chảy. Xóm Bãi có 58 hộ và xóm Ngoài có khoảng 100 hộ đều dùng nước giếng khoan. Mức độ nước nhiễm phèn tùy vị trí. Mặc dù nhiều hộ dân đã đầu tư bể chứa, bể lọc nhưng nỗi lo về nguồn nước vẫn không nguôi. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, nhiều cấp nhưng đến nay vẫn đang mong chờ được giải quyết”, ông Trịnh nói.

Không chỉ TDP An Cư Tây, nhiều địa phương khác ở Phú Lộc cũng mong chờ được đầu tư hệ thống nước sạch. Chỉ riêng thị trấn Lăng Cô có 9 TDP, hơn 3.270 hộ dân nhưng có đến 3 TDP thời gian qua vẫn đang thiếu nước sạch. Ông Vương Đình Tuân, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, ngoài TDP An Cư Tây, còn khoảng 500 hộ dân ở TDP Đồng Dương và Lập An gặp phải tình cảnh này.

Ở xã Lộc Vĩnh, 40 hộ ở thôn Phú Hải và Bình An nhiều năm qua cũng phải dựa vào nguồn nước giếng khoan. Nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt cho nhiều hộ dân bị nhiễm mặn, nhưng do nằm trong vùng quy hoạch các dự án nên chưa thể đầu tư nguồn nước sạch. Ông Phan Văn Nam, Trưởng thôn Phú Hải chia sẻ, trong thôn có 34 hộ ở 2 khu vực bị thiếu nước sạch. Chờ đợi nhiều năm, lại nằm trong vùng quy hoạch nên nỗi lo của các hộ dân lại càng lớn. Họ mong muốn nếu được di dời thì đi sớm, nếu không di dời thì có thể hỗ trợ đầu tư hệ thống nước sạch để bà con sử dụng.

Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh Lê Công Minh, một số hộ dân ở vùng quy hoạch dự án Kim Long Motor, đến nay đã có 6 hộ dân thôn Bình An được di dời đến nơi ở mới, còn 11 hộ của thôn Phú Hải giáp thôn Bình An vẫn đang thiếu nước sạch. Ngoài ra, một khu vực khác trong thôn Phú Hải nằm trong vùng quy hoạch của dự án Thuận Phú nên Công ty CP Cấp nước Huế (HueWACO) chưa thể cung cấp nước sạch cho 23 hộ.

Nghiên cứu giải pháp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến đầu năm 2025, hệ thống cấp nước sạch thị trấn Lăng Cô do HueWACO quản lý vận hành gồm các tuyến ống có đường kính từ D50 - D160 với tổng chiều dài hơn 30,6km, cấp nước sạch cho hơn 62,3% dân số của thị trấn với chất lượng đảm bảo, cấp nước an toàn, liên tục và áp lực hợp lý. HueWACO đang triển khai dự án “Nâng cấp các tuyến ống tại khu vực Chân Mây - Lăng Cô” với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng, dự kiến cấp nước cho hơn 400 hộ, nhằm nâng tỷ lệ người dân dùng nước tại thị trấn Lăng Cô đạt 75,1%.

Tại các đợt tiếp xúc cử tri Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh (nay là TP. Huế) khóa VIII, sau khi nghe ý kiến cử tri, các cơ quan chức năng đã tổng hợp, báo cáo, đồng thời cấp có thẩm quyền cũng đã chỉ đạo rà soát, có phương án giải quyết. Các đơn vị đã khảo sát ở khu vực xóm Bãi thuộc TDP An Cư Tây, Hói Dừa. Qua khảo sát, tại khu vực Hói Dừa, Hói Mít, thị trấn Lăng Cô hiện nay đa số người dân đang sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tự chảy do Nhà thờ giáo xứ Hói Dừa quản lý khai thác. Hiện hệ thống này vận hành tách biệt, chưa chuyển giao cũng như đấu nối vào hệ thống cấp nước tập trung của HueWACO. HueWACO cũng chưa được cấp phép khai thác nguồn nước tại đây để phát triển hệ thống, cung cấp nước cho người dân.

Bên cạnh đó, thị trấn Lăng Cô thuộc vùng cấp nước của Nhà máy Chân Mây (công suất 8.000m3/ngày đêm, hiện nhà máy đã thiếu hụt nguồn nước vào mùa nắng nóng), trong khi việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước Lộc Thủy công suất 22.000m3/ngày đêm đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư, khu vực nêu trên lại cách xa hệ thống cấp nước hiện trạng của HueWACO hơn 5km, nên chưa thể đảm bảo đáp ứng lưu lượng, áp lực nước cho khu vực này. Để cấp nước cho người dân tại khu vực này trong thời gian tới, UBND TP. Huế đã chỉ đạo HueWACO tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phù hợp, trong đó có nội dung nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy nước Lộc Thủy.

Đối với 23 hộ dân ở thôn Phú Hải, HueWACO đã tiến hành kiểm tra, tìm hiểu khu vực 23 hộ dân có đề nghị cung cấp nguồn nước sạch thuộc quy hoạch của dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô của Công ty CP Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô, nay là Thuận Phú. Dự án đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng cho một số hộ dân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác này. HueWACO đã gửi văn bản cho UBND huyện Phú Lộc, UBND xã Lộc Vĩnh để xác định khu vực quy hoạch của dự án, tiến độ giải phóng mặt bằng và vị trí bố trí tái định cư, từ đó có giải pháp đầu tư tuyến ống cấp nước cho người dân phù hợp hơn.

Nước sạch là nhu cầu bức thiết của người dân vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt. Người dân mong muốn các đơn vị có liên quan khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp để có nguồn nước sạch, vơi bớt nỗi lo.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/ban-doc/nhieu-ho-dan-o-lang-co-loc-vinh-mong-cho-co-nuoc-sach-152217.html