Nhiều hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2

Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 - 2023, nhiều tựa sách mới, với nội dung và hình thức đặc sắc thuộc nhiều thể loại: văn học thiếu nhi, tranh truyện lịch sử, sách kiến thức, khoa học, kĩ năng, hướng nghiệp ra mắt bạn đọc cả nước. Nhiều hoạt động giao lưu ra mắt, giới thiệu sách với công chúng cũng được tổ chức trong dịp này.

Ngày 20/4, tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội diễn ra buổi Giao lưu và ra mắt sách “Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương”. Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương tuyển chọn những đoạn trích văn thơ về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp Việt Nam từ Bắc đến Nam. Những đoạn trích văn thơ đó được lấy ra từ những tác phẩm văn học nổi tiếng, quen thuộc của các nhà văn, nhà thơ lớn của Việt Nam từ trung đại cho đến hiện đại. Đó là những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng vốn đã quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả trong chương trình Ngữ Văn THPT. Cuốn sách thêm đặc biệt với những bức tranh minh họa đặc sắc của các họa sĩ đương đại giúp độc giả cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam.

Tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP HCM, cũng diễn ra buổi giao lưu: “Văn học thiếu nhi - Luồng gió mới từ những tác giả trẻ” do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức, với sự tham dự của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, Phát Dương, Thủy Nguyên. Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, Phát Dương và Thủy Nguyên vừa ra mắt độc giả loạt truyện dành cho thiếu nhi với phong cách viết mới lạ cùng minh họa đẹp mắt. Trong buổi giao lưu, các nhà văn sẽ chia sẻ với bạn đọc nhiều câu hỏi: viết cho thiếu nhi dễ hay khó, viết cho thiếu nhi hay viết về thiếu nhi… xoay quanh chủ đề, viết như thế nào để hấp dẫn thiếu nhi hiện nay.

Chương trình giao lưu, ra mắt sách: “Alexandre de Rhodes và hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, ra mắt sách “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” sẽ được tổ chức vào sáng 22/4, tại Phố sách Hà Nội. Trong chương trình, độc giả sẽ được giao lưu với tác giả Phạm Thị Kiều Ly và họa sĩ Tạ Huy Long về hành trình tìm kiếm tư liệu và những câu chuyện thú vị xoay quanh hoạt động sáng tác. Qua đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu chữ cội nguồn chữ viết của dân tộc, sự phát triển của chữ Quốc ngữ trong giai đoạn hiện nay có thể đối diện với những khó khăn nào? Làm sao để bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của chữ Quốc ngữ trong quá trình hội nhập văn hóa và phát triển hiện nay...

Tại Thừa Thiên Huế, chương trình khám phá “Đất nước gấm hoa” & “Cảnh Việt trong văn chương” cũng được tổ chức ở Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế. Với sự giao lưu chia sẻ của các vị khách mời, cùng những trò chơi tương tác trong chương trình, độc giả sẽ được tìm hiểu thêm những kiến thức về địa lí, lịch sử, văn hóa và con người trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc.

Trước đó, năm 2022, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I, đã được tổ chức thành công tại 30 quận, huyện, thị xã với nhiều các chuỗi hoạt động hưởng ứng như: Tuyên truyền cổ động trực quan, nói chuyện chuyên đề, giao lưu tác giả và bạn đọc, thi viết cảm nhận về cuốn sách em yêu thích, xếp sách nghệ thuật theo chủ đề… đã thu hút trên 120.000 lượt bạn đọc tham gia.

Trần Đức Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/nhieu-hoat-dong-chao-mung-ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-lan-2-post10312.html