Nhiều hoạt động đặc sắc tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, các hoạt động kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 17/4 đến 20/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Sự kiện có sự tham gia của khoảng hơn 300 người thuộc 54 thành phần dân tộc các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 20/4/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Bích Nguyên
Theo thông tin từ Ban tổ chức, các đại biểu dự Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 sẽ thực hiện nghi thức báo công, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quam Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Ngoài hội nghị tổng kết công tác phối hợp với các địa phương huy động đồng bào các dân tộc về tổ chức hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động trình diễn giới thiệu di sản, văn hóa địa phương.
Điểm nhấn là không gian văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng với hoạt động trình diễn nhạc Ngũ âm, trống Schay Dăm, dạy múa Rom vong, múa Chằn.. biểu diễn nghệ thuật múa Rô băm, trình diễn nghệ thuật múa Rom vong là những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Khmer được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Cùng với đó là gian hàng giới thiệu không gian du lịch tỉnh Sóc Trăng: Hình ảnh về điểm đến, văn hóa lễ hội, đặc sản ẩm thực; các tờ rơi, ấn phẩm, bản đồ; các mã QR giới thiệu về hệ thống du lịch thông minh, ấn phẩm online của tỉnh; trình chiếu video giới thiệu về tiềm năng du lịch của tỉnh Sóc Trăng; trưng bày và giới thiệu một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương này.
Đặc biệt, du khách sẽ được tham dự tết Chôl Chnăm Thmây. Theo văn hóa truyền thống của người Khmer, Tết Chôl Chnăm Thmây mang ý nghĩa là đón mừng năm mới, mừng thêm một tuổi, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt, Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp để kết nối các thành viên trong gia đình lại với nhau.
Đây cũng là dịp để con cháu nhớ về tổ tiên hay hướng về những giá trị cổ truyền của dân tộc. Tết được diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch). Tham dự hoạt động này, chúng ta sẽ bắt gặp không khí náo nhiệt của bà con Khmer thể hiện Tết cổ truyền của mình bằng việc chuẩn bị các vật phẩm cho ngày Tết để phục vụ cho việc cúng kiến, ăn uống, đãi khách và dâng cho nhà chùa. Mọi người ăn mặc đẹp, sửa sang bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên, trang hoàng, quét dọn nhà cửa cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi và bình an.

Trong khuôn khổ chương trình có các hoạt động trình diễn không gian văn hóa cao nguyên Đắk Lăk. Ảnh: Bích Nguyên
Một hoạt động đặc sắc khác được tổ chức trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 là không gian văn hóa "sắc màu cao nguyên Đắk Lắk" với sự kiện tái hiện Lễ cúng trưởng thành của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; giới thiệu các nhạc cụ truyền thống: cồng chiêng, chiêng tre, đàn T’rưng; trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng và nghề thủ công truyền thống.
Không gian trình diễn cà phê Tây Nguyên được tổ chức tại Làng dân tộc Ê Đê, Khu các làng dân tộc II, tái hiện không gian trình diễn cà phê truyền thống của đồng bào từ việc lựa chọn hạt, đến rang, giã tự nhiên và lọc bằng chính phương thức tự nhiên giới thiệu đến du khách cùng xem, trải nghiệm và thưởng thức…
Trong khuôn khổ chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 cũng sẽ có hoạt động giới thiệu không gian văn hóa dân tộc Thổ, tỉnh Thanh Hóa.
Ban tổ chức cho biết, mục đích tổ chức các hoạt động trên nhằm thiết thực chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); kỷ niệm 79 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946 - 19/4/2025) và gần 20 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19/4 hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ thể văn hóa trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.