Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc Khmer khởi nghiệp

Tính đến thời điểm cuối năm 2020, TX. Vĩnh Châu có trên 33.000 hội viên phụ nữ (trong đó có 11.530 hội viên dân tộc Kinh, gần 17.000 hội viên dân tộc Khmer). Hội đã tập hợp, thu hút phụ nữ, xác định điều kiện thực tế tại địa phương để xây dựng các mô hình phù hợp.

Trong năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TX. Vĩnh Châu đã phối hợp hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp cho 2 hội viên tại phường Khánh Hòa (số vốn 70.000.000 đồng), với mục đích kinh doanh nhỏ. Hướng dẫn 1 hội viên đăng ký nhãn hiệu “Chả lụa sạch Hương”, 2 hội viên đăng ký sản phẩm OCOP, được công nhận 3 sao các sản phẩm: cá dứa một nắng của Hợp tác xã Thủy sản Tâm An (theo Quyết định số 991/QĐ-UBND, ngày 10-4-2020 của UBND tỉnh); xá pấu mặn, xá pấu ngọt, xá pấu chua ngọt của Cơ sở Ngọc Yến (theo Quyết định số 1788/QĐ-UBND, ngày 3-7-2020 của UBND tỉnh). Tổ chức “Ngày khởi nghiệp” gắn đối thoại giữa chính quyền địa phương với nữ chủ doanh nghiệp. Đưa 35 lượt thành viên Câu Lạc bộ Nữ doanh nghiệp, cán bộ hội tham gia gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm và học tập kinh nghiệm trong kinh doanh, kết nối kinh doanh.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên mở 13 lớp đào tạo nghề cho 300 cán bộ, hội viên theo học đan giỏ, đan ghế, kết cườm, may công nghiệp (có 241 chị có việc làm sau học nghề, chiếm 80%). Tư vấn nghề cho 2.289 lao động và giới thiệu việc làm 3.583 lượt chị tại địa phương.

Nhiều phụ nữ dân tộc Khmer khởi nghiệp bằng mô hình trồng màu mang lại thu nhập cao (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Nhiều phụ nữ dân tộc Khmer khởi nghiệp bằng mô hình trồng màu mang lại thu nhập cao (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Điển hình như ấp Tân Hưng, xã Vĩnh Hiệp, với hơn 500 hội viên, trong đó có nhiều hội viên hoàn cảnh còn khó khăn. Chi hội khai thác các mô hình kinh tế như trồng màu, chăn nuôi, mua bán nhỏ.... giúp nhiều hội viên thoát nghèo. Gia đình hội viên Đỗ Thị Bích Ly, từ hộ thiếu vốn sản xuất, thu nhập không ổn định, đã mạnh dạn vay vốn trồng đậu bắp nhật trên bờ bao nuôi tôm, giúp tăng thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm. Hay hội viên Lý Thị Lệ Trang, vay tiền từ tổ phụ nữ tiết kiệm là 5 triệu đồng, thực hiện mô hình buôn bán nhỏ, tạo ra thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống hàng ngày, từng bước vươn lên thoát nghèo. Các chị được hội cấp trên biểu dương là tấm gương tiêu biểu trong thực hiện phong trào phụ nữ với tinh thần vượt khó.

Tại ấp Prêy Chóp, xã Lai Hòa, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, xác định công tác tập hợp, thu hút và phát triển hội viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Chi hội xây dựng mô hình như: Tổ phụ nữ bảo vệ môi trường, Tổ phụ nữ tiết kiệm, Tổ phụ nữ hùn vốn, Tổ phụ nữ buôn bán nhỏ, Tổ phụ nữ xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ nói không với rác thải nhựa sử dụng một lần, với đa dạng thành phần phụ nữ tham gia như phụ nữ dân tộc, tôn giáo, trí thức, người cao tuổi, tiểu thương… Bên cạnh đó, chi hội đã tranh thủ nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn từ góp vốn xoay vòng để phát triển kinh tế, trong đó có nhiều chị thoát nghèo, vươn lên khá, giàu, tiêu biểu như hội viên Lý Thị Đa Lên, hội viên Thạch Thị Khươl...

Đồng chí Văn Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch Hội LHPN TX. Vĩnh Châu cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp hội tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung, chất lượng sinh hoạt, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng hội viên để động viên, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu, đề xuất chính sách, góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thi-xa-vinh-chau/nhieu-hoat-dong-ho-tro-phu-nu-dan-toc-khmer-khoi-nghiep-51483.html