Nhiều hoạt động Trung thu hấp dẫn tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các bạn nhỏ có cơ hội khám phá tìm hiểu chương trình Trung thu với chủ đề 'Em yêu Trung thu - Em yêu khoa học'.
“Em yêu Trung thu - Em yêu khoa học” năm 2023 được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 23-24/9/2023 là “bữa tiệc” văn hóa đã mang đến một mùa Trung thu ý nghĩa cho các em qua việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và khám phá khoa học qua đồ chơi dân gian bằng các trải nghiệm thực và ảo.
Tham gia chương trình, các em nhỏ có cơ hội trải nghiệm một số hoạt động như: Múa lân, rước đèn Trung thu; tìm hiểu ý nghĩa mâm cỗ truyền thống và cách bày trí... Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân, thợ thủ công, các em cũng được tự tay làm các món đồ chơi dân gian như: Đèn kéo quân, đèn ông sao, tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, mâm ngũ quả bột, phỗng đất, mặt nạ giấy bồi...
Đã gần 20 năm nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền là khách mời quen thuộc của Bảo tàng Dân tộc học tham gia chương trình bảo tồn di sản trò chơi dân gian. Tại đây, mỗi kỳ Trung thu, dù đã cao tuổi, lại ở xa, nhưng ông vẫn chăm chỉ có mặt tại Bảo tàng hướng dẫn trực tiếp cho các khách du lịch và trẻ em làm các đồ chơi dân gian.
Đặc biệt năm nay ông Quyền giới thiệu cho công chúng và các bạn trẻ chiếc đèn ông sao xưa kia với 6 cánh. Ông Quyền giải thích, trước đây đèn ông sao được làm 6 cánh, khi xuất hiện cờ đỏ sao vàng mới thiết kế làm đèn ông sao 5 cánh. Ông Quyền hứa sẵn sàng dạy không công cho những ai nhất là những bạn trẻ làm đèn ông sao và đèn kéo quân đê giữ lại những món đồ chơi dân gian truyền thống cho mai sau.
Cùng với hoạt động làm đồ chơi, chương trình “Em yêu Trung thu - Em yêu khoa học” còn là có cơ hội cho các bạn trẻ chơi một số trò chơi vận động như: Nhảy bao bố, ném lon, bịt mắt đánh trống, nhảy dây, kéo co, đi cà kheo, đi goòng; học những bài hát đồng dao thông qua chơi trò chơi rồng rắn lên mây, chơi chuyền...
Bên cạnh đó, những bạn nhỏ thích tìm hiểu và thưởng thức hương vị mùa thu qua ẩm thực có thể tự tay làm một chiếc bánh dẻo hay giã cốm bằng cối đá. Ngoài ra, các bạn yêu thích văn hóa Hàn Quốc có cơ hội khám phá Tết Trung thu của Hàn Quốc thông qua mâm cỗ và video trong phòng trưng bày Hàn Quốc.
Đặc biệt, sự kiện lần này Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn hướng đến một số hoạt động mới áp dụng công nghệ trong việc khám phá văn hóa truyền thống qua không gian thực và ảo. Các thông điệp, ý nghĩa gắn với đồ chơi Trung thu được truyền tải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Công nghệ cũng tạo cơ hội cho du khách tham gia vào hoạt động quét mã QR “Đua tìm kho báu trung thu” để khám phá những thông tin thú vị trong các không gian trưng bày của Bảo tàng. Cùng với các hoạt động áp dụng công nghệ, hoạt động khám phá khoa học qua đồ chơi dân gian cũng mở ra những cách thức học tập mới cho các em nhỏ qua Stem.
Đến với “Em yêu Trung thu - Em yêu khoa học” các bạn trẻ còn được tìm hiểu những đồ chơi giản dị của đêm rằm được các thầy cô giải thích dưới góc nhìn khoa học và đưa đến cho các em những hiểu biết nhờ kết nối từ tri thức dân gian đến kiến thức khoa học. Một lần nữa những bài học ở trên lớp đã được làm sâu sắc hơn qua những trải nghiệm tại Bảo tàng. Các em có thể làm đèn kéo quân để học về đối lưu chất khí và hiểu nguyên lý chuyển động của đèn; làm đèn cù để hiểu về lực ma sát; làm trống lắc để hiểu về hộp âm…
Có thể nói nhờ các hoạt động tương tác trải nghiệm này mà những bài học khoa học lại trở nên đơn giản, dễ hiểu như vậy. Ngoài ra, những hoạt động mang tính sáng tạo dựa trên tri thức dân gian cũng được Bảo tàng quan tâm.
Chương trình còn có góc trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật với chủ đề ghép tranh trung thu cùng Vụn Art, làm đồ trang trí từ các họa tiết hoa văn dân tộc và đồ chơi dân gian của các bạn trẻ áp dụng kỹ thuật Họa Kim Sa được giới thiệu với mong muốn ngày càng nhiều bạn trẻ yêu quý, trân trọng các sản phẩm thủ công. Một hoạt động mới nữa của chương trình đó là Bảo tàng tạo một không gian âm nhạc mở để đưa cơ hội cho các bạn trẻ chủ động thể hiện tiếng nói của mình trước công chúng. Hoạt động này giúp gen Z có nhiều cơ hội kết nối và chia sẻ tiếng nói cũng nhau và cho nhau.
Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, TS. Bùi Ngọc Quang chia sẻ, chương trình “Em yêu Trung thu - Em yêu khoa học” được tổ chức với mục tiêu kết hợp giới thiệu, tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với hoạt động trải nghiệm khám phá khoa học, công nghệ. Tin rằng sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ sẽ mang đến trải nghiệm mới và hào hứng cho các bạn trẻ.
Đồng thời đây cũng là dịp đặc biệt để ông bà, cha mẹ ôn lại ký ức tuổi thơ và chia sẻ những hiểu biết của mình cho con cháu; qua đó gắn kết các thành viên gia đình. Những hoạt động ý nghĩa này sẽ góp phần quan trọng cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình thêm hiểu và trân trọng các giá trị của cha ông, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại.