Nhiều hướng đi cho học sinh không vào lớp 10 công lập
Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau bậc học trung học cơ sở, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã tạo nhiều hướng phát triển cho học sinh không thi đỗ lớp 10 công lập, năm học 2024-2025.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, năm học 2024-2025, toàn thành phố có 113 trường công lập tuyển hơn 71.000 chỉ tiêu lớp 10. Với gần 116.300 học sinh đang học lớp 9, thành phố có hơn 45.000 học sinh không có cơ hội vào lớp 10 trường công lập.
Chị Trần Thị Lệ Thu, ngụ quận 5 cho biết, trong một tháng qua, chị đã chạy đôn chạy đáo, tìm hiểu thông tin để lựa chọn trường cho con. Sau khi nghe tư vấn, gia đình chị Thu quyết định cho con theo học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5), vì đây là môi trường giáo dục tốt, học phí vừa khả năng của gia đình.
Nhiều người khác cũng có lựa chọn như chị Thu. Khi biết con em hoặc khó thi đỗ lớp 10 công lập, hoặc cần định hướng phát triển nghề nghiệp theo hướng khác, nhiều gia đình lựa chọn để con em theo học dân lập, học nghề, thậm chí du học.
Năm học 2024-2025, tại thành phố Hồ Chí Minh, 30 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên, phân hiệu bổ túc văn hóa, trung tâm bảo trợ dạy nghề và đào tạo việc làm tuyển 11.686 học sinh; 7 trường cao đẳng, trung cấp tuyển 10.135 học sinh; 83 trường THPT tư thục, trường có yếu tố nước ngoài tuyển hơn 28.000 học sinh.
Cô Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp) cho biết: "Nhiều phụ huynh đã cởi mở hơn với trường phổ thông tư thục, không còn phải “rớt” trường công lập mới học trường tư thục. Đó là bởi các trường tư thục thường có điều kiện tổ chức đầy đủ tổ hợp môn học cho học sinh. Ngoài ra, trường tư thục cho học sinh thêm nhiều trải nghiệm hoạt động ngoại khóa, thể chất, STEAM... xuyên suốt năm học".
Còn PGS.TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ nghệ II (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2024, nhà trường phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thành phố Thủ Đức tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS vừa học nghề vừa học văn hóa (chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT 7 môn). Cụ thể, thời gian đào tạo nghề lấy bằng trung cấp chính quy là 2 năm và 3 năm hoàn tất chương trình văn hóa để thi tốt nghiệp THPT.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệpcòn thấp. Lý do là công tác tư vấn, định hướng và phân luồng đối với giáo dục nghề nghiệp cho học sinh THCS và THPT còn nhiều hạn chế.
"Hiện nay, việc dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định rõ ràng và triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả. Điều này tạo thêm thuận lợi cho người học khi vừa được học nghề, vừa được học văn hóa để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đó có thể liên thông lên các bậc học cao hơn", ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin.