Nhiều kết quả giáo dục từ xây dựng nông thôn mới
Tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới kéo theo những thay đổi tích cực trong ngành Giáo dục.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ giao cho các đơn vị triển khai. Bộ GD&ĐT đồng thời ban hành và triển khai Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Bộ bổ sung năm 2024; Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Bộ GD&ĐT năm 2025.
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Quyết định công bố chỉ tiêu giáo dục của tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 - 2025 và sửa đổi tiêu chí giáo dục và đào tạo của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Các địa phương đã tích cực triển khai chủ trương, chính sách và quy định để đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia; sử dụng kết quả làm cơ sở cho các hoạt động cải tiến chất lượng, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc đầu tư nguồn lực (bố trí giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị) và gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông thôn mới.
Tính đến ngày 31/5/2024, có 97,9% cơ sở giáo dục hoàn thành tự đánh giá; 64,3% cơ sở giáo dục đạt kiểm định chất lượng giáo dục; 58,9% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, có nhiều địa phương đã đạt được kết quả cao trong thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Tỷ lệ trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoàn thành tự đánh giá và đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong cả nước năm học 2023 - 2024 tăng hơn so với năm học trước.
Đặc biệt, tỷ lệ trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên năm học 2022 - 2023 rất thấp nhưng đến năm học 2023 - 2024 đã có sự gia tăng nhanh chóng. Qua đó, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cơ quan quản lý giáo dục các cấp cũng như sự quyết tâm, cố gắng của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình lồng ghép, đa mục tiêu và phân cấp về cho cấp cơ sở, phát huy tính tự chủ và tự quyết của địa phương. Đầu tư cho giáo dục luôn được coi là một ưu tiên trong phát triển của các địa phương. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp nên đầu tư cho giáo dục nhiều nơi chỉ chủ yếu để đạt các điều kiện cơ bản "đạt chuẩn" theo quy định; việc nâng chuẩn, hay đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất còn có khó khăn.