Nhiều kết quả tích cực trong phát triển hệ thống giáo dục mầm non
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh. Cùng với sự phát triển đó, nhu cầu về trường học cũng ngày càng tăng cao, đặc biệt là giáo dục mầm non (GDMN). Để đáp ứng nhu cầu này, Bình Dương đã và đang nỗ lực phát triển hệ thống GDMN nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ, nhất là con em công nhân lao động.
Hệ thống MN ngoài công lập ngày càng phát triển, góp phần giảm tải cho GDMN công lập. Trong ảnh: Một tiết học của trường MN Phúc Lợi, TP.Tân Uyên
Mở rộng quy mô
Quá trình công nghiệp hóa nhanh đã thu hút ngày càng đông lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương làm việc. Việc tăng dân số cơ học nhanh đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề GDMN. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, Bình Dương đã phát triển nhiều loại hình trường mầm non (MN) khác nhau, như: MN công lập, tư thục, ngoài công lập.
Trong những năm qua, Bình Dương đã tập trung đầu tư xây dựng mới và kiên cố hóa trường lớp MN. Nhờ đó, số lượng trường MN trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của trẻ. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2023-2024 toàn tỉnh có 438 trường MN, trường mẫu giáo (trong đó có 118 trường công lập, 320 trường tư thục), 657 cơ sở GDMN độc lập tư thục với tổng số trên 115.700 trẻ. Bên cạnh việc mở rộng quy mô, Bình Dương cũng chú trọng nâng cao chất lượng GDMN. Các trường MN trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại; đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành GD&ĐT.
Tọa lạc tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III (TX.Bến Cát), trường MN Ngôi Sao Nhỏ trực thuộc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh là ngôi trường dành riêng cho con em công nhân. Ông Đỗ Văn Phùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh kiêm Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học này trường có 9 lớp với 250 trẻ. Hiện tại, trên 95% trẻ theo học ở trường là con em người lao động (NLĐ) trên địa bàn Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước. Đây là trường dành riêng cho con em công nhân nên việc dạy tăng ca có thể kéo dài theo thời gian làm việc của phụ huynh. Việc này đã đáp ứng được nhu cầu của nhiều NLĐ.
“Nhà trường có chính sách miễn và giảm học phí cho các trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Những trẻ thuộc diện hộ gia đình nghèo và cận nghèo sẽ được giảm 100% và 50% học phí; 2 trẻ là anh/chị em học trong trường thì được giảm 50% học phí. Ngoài ra, những trường hợp khó khăn luôn nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thông qua sự vận động của trung tâm”, ông Phùng cho biết thêm.
Đẩy mạnh xã hội hóa
TP.Tân Uyên là một trong những địa phương hàng năm chịu nhiều áp lực về tăng dân số cơ học. Chính vì vậy, công tác xã hội hóa giáo dục luôn được địa phương này chú trọng thực hiện. Trong giai đoạn 2018- 2023, TP.Tân Uyên đã thu hút xã hội hóa đầu tư 118 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và 26 trường MN ngoài công lập với kinh phí khoảng 222,7 tỷ đồng, góp phần làm giảm tình trạng quá tải trong các cơ sở GDMN công lập.
Trường MN Ngôi Sao Nhỏ (TX.Bến Cát) tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ
Là trường MN ngoài công lập lớn trên địa bàn TP.Tân Uyên, trường MN Phúc Lợi (phường Uyên Hưng) trở thành địa chỉ tin cậy được nhiều phụ huynh tin tưởng lựa chọn. Trường hiện quản lý và chăm sóc 240 trẻ, các trẻ được chia thành 7 nhóm lớp theo từng độ tuổi. Cô Nguyễn Thị Huyền Châu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường thường xuyên đầu tư lại cơ sở vật chất với hệ thống không gian phòng học, hệ thống giáo cụ, sân chơi đầy đủ giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt. Đội ngũ giáo viên thường xuyên được nhà trường tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, hệ thống GDMN ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện tỷ lệ trường MN ngoài công lập, tư thục của tỉnh chiếm trên 73%. Các cơ sở GDMN ngoài công lập đang ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí trong hệ thống giáo dục của địa phương, góp phần giảm bớt gánh nặng cho các trường MN công lập.
Chị Trần Thị Hương, công nhân Công ty TNHH Gỗ Thượng Hồng (phường Tân Bình, TP.Dĩ An), chia sẻ: “Đa phần các trường MN ngoài công lập có thời gian hoạt động phù hợp với thời gian làm việc của công nhân, như: Có giữ tăng ca, học ngày thứ bảy… Đó chính là lý do mà tôi lựa chọn trường ngoài công lập mặc dù học phí đắt hơn trường công lập”.
Trao đổi với P.V, bà Trương Hải Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết phát triển GDMN trong các khu, cụm công nghiệp được xác định là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc đưa trẻ đến trường của NLĐ. Tuy nhiên, GDMN của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, như: Đội ngũ giáo viên còn thiếu, công tác xã hội hóa giáo dục phát triển mạnh nhưng vẫn còn nhiều bất cập…
Để tiếp tục phát triển hệ thống GDMN, Bình Dương cần tiếp tục đầu tư xây dựng mới và kiên cố hóa trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết. Với những nỗ lực của các cấp chính quyền và ngành GD&ĐT, chắc chắn trong thời gian tới hệ thống GDMN của tỉnh sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Để giải quyết vấn đề trường, lớp MN tại các KCN, thời gian qua Bình Dương đã có chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất GDMN, đặc biệt là các trường, lớp MN trong KCN, như: Hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học đối với cơ sở GDMN độc lập, tư thục ở địa bàn có khu, cụm công nghiệp; trợ cấp đối với trẻ em MN là con công nhân, NLĐ làm việc tại khu, cụm công nghiệp; có chính sách hỗ trợ đối với giáo viên MN làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có khu, cụm công nghiệp…