Nhiều kết quả tích cực từ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thông tin kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, báo cáo của Chính phủ cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Riêng Bộ Tài chính, với quyền hạn và trách nhiệm của mình đã thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của cả nước.

Khoán kinh phí sử dụng xe ô tô giúp cho việc quản lý, sử dụng xe ô tô công đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Ảnh tư liệu minh họa

Khoán kinh phí sử dụng xe ô tô giúp cho việc quản lý, sử dụng xe ô tô công đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Ảnh tư liệu minh họa

Thực hiện trên tất cả các lĩnh vực trọng tâm

Theo Báo cáo của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 (NQ74) của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP). Qua đó các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm để triển khai các nhiệm vụ; chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP.

Quản lý, sử dụng xe ô tô công hiệu quả

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng xe ô tô công, Bộ Tài chính đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô thay thế Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/1/2019. Nghị định có quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, khoán kinh phí sử dụng xe ô tô giúp cho việc quản lý, sử dụng xe ô tô công đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương mua mới 380 chiếc xe ô tô (nguyên giá 388,43 tỷ đồng) và 1.146 phương tiện vận tải.

Về phía Bộ Tài chính, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan thực hiện việc rà soát, tổng hợp các văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền liên quan đến việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế; tăng cường chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI. Giải quyết dứt điểm các trường hợp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản.

Theo đó, trong năm 2023, ngành Thuế đã thu hồi được 45.959 tỷ đồng (thu bằng biện pháp quản lý nợ 41.607 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ 4.352 tỷ đồng). Đặc biệt, tính đến 30/6/2023, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN), cơ quan quản lý thuế đã thực hiện khoanh nợ đối với 704.431 người nộp thuế với tổng số tiền nợ được khoanh 28.380 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 389.838 người nộp thuế với tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa 8.770 tỷ đồng.

Số nợ chuyên thu quá hạn của ngành Hải quan thời điểm cuối năm 2023 là 5.382 tỷ đồng, giảm 8,05% (tương ứng giảm 471 tỷ đồng) so với thời điểm cuối năm 2022. Tổng số nợ đã thu hồi và xử lý của toàn ngành Hải quan là 1.012 tỷ đồng.

Trong việc phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), Bộ Tài chính đã bám sát tình hình thu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương (NSTW) để tổ chức huy động vốn TPCP với khối lượng phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, điều chỉnh giảm kế hoạch phát hành TPCP năm 2023 từ 400.000 tỷ đồng xuống 305.000 tỷ đồng.

Đến hết ngày 31/12/2023, khối lượng phát hành TPCP là 298.476 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch điều chỉnh năm 2023. Lãi suất TPCP phát hành bình quân năm 2023 là 3,21%/năm (thấp hơn 0,27% so với năm 2022), giúp tiết kiệm chi phí trả lãi cho NSNN. Kỳ hạn TPCP phát hành bình quân đạt 12,58 năm, phù hợp với mục tiêu đặt ra tại các nghị quyết của Quốc hội; thời gian đáo hạn bình quân của danh mục TPCP là 9,05 năm, giúp giảm áp lực trả nợ ngắn hạn theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vay ngân quỹ nhà nước (NQNN) theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công và pháp luật về quản lý NQNN.

Việc vay NQNN của NSTW được thực hiện theo quy định tại các thông tư của Bộ Tài chính. Theo đó, NSTW vay NQNN để bù đắp bội chi của NSTW và trả nợ gốc các khoản vay của NSTW. Trong năm 2023, NSTW vay NQNN trên 71.972 tỷ đồng; hoàn trả 68.000 tỷ đồng. Số dư nợ vay đến cuối năm 2023 trên 262.837 tỷ đồng…

Đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ông Trần Huy Trường – Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp THTK, CLP trong các lĩnh vực quản lý, trong Chương trình THTK, CLP năm 2024, Bộ Tài chính đã đưa ra mục tiêu THTK, CLP trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực: Quản lý thu, chi ngân sách và sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp; tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.

Trong mỗi lĩnh vực, Bộ Tài chính đã nêu rõ các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, tiêu chí đánh giá tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về THTK, CLP, đưa công tác THTK, CLP đi vào thực chất với những kết quả cụ thể. Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cũng như giải pháp, biện pháp cần thực hiện trong năm 2024 đối với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đề ra.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu tại Chương trình THTK, CLP năm 2024 của từng đơn vị phải thể hiện rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực quản lý, khoản mục chi ngân sách, từng đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc; tiêu chí đánh giá, chế độ tổng hợp báo cáo, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến THTK, CLP, tạo chuyển biến tích cực trong THTK, CLP tại cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng đơn vị cấp trên có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện các quy định về công khai, minh bạch để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát THTK, CLP. “Đối với những vi phạm được phát hiện trong công tác thanh tra, kiểm tra, thủ trưởng đơn vị phải khắc phục, xử lý hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý, không để xảy ra lãng phí, sai phạm” - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính nhấn mạnh./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-ket-qua-tich-cuc-tu-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-152776-152776.html