Nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo ở Bắc Hà

Năm 2023, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, huyện Bắc Hà đã tạo đột phá trong công tác giảm nghèo, với tỷ lệ giảm nghèo lên tới 9,16%. Tỷ lệ hộ nghèo còn lại của huyện là 33,8% và hộ cận nghèo là 18,31%.

Ông Lê Văn Khiêm, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà cho rằng, để có được kết quả giảm nghèo vượt trên sự mong đợi đòi hỏi cả hệ thống chính trị của địa phương cùng vào cuộc, huy động tất cả nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, kết hợp với giải pháp căn cơ.

3 yếu tố làm nên thành công trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương trong năm 2023 là: Xây dựng các mô hình giảm nghèo; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; cải thiện cuộc sống của người nghèo.

Ông Lê Văn Khiêm, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Bắc Hà đã lồng ghép, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo, tập trung vào các cây trồng chủ lực, tiềm năng của địa phương nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã xây dựng mô hình hỗ trợ sản xuất gồm trồng rừng (quế), cây ăn quả, dược liệu và làm homestay. Năm 2023, huyện triển khai thực hiện 36 mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển du lịch, qua đó nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có thu nhập.

Minh chứng cho điều đó, bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với 8 xã: Tả Củ Tỷ, Lùng Cải, Lùng Phình, Thải Giàng Phố, Tả Van Chư, Hoàng Thu Phố, Bản Phố, Na Hối triển khai trồng 127 ha cây dược liệu (5 ha atiso, 5 ha đương quy, 117 ha cát cánh) với hơn 200 hộ nghèo và cận nghèo tham gia liên kết sản xuất. Vụ thu hoạch vừa qua, thu nhập trung bình 200 triệu đồng/ha đương quy, 100 triệu đồng/ha cát cánh. Nhờ đó, nhiều hộ có thu nhập cao, thoát nghèo và quan trọng hơn cả là có việc làm ổn định tại địa phương, không phải “ly hương”.

Không chỉ dừng lại với những mô hình kinh tế tại địa phương, với chủ trương phấn đấu mỗi hộ nghèo và hộ cận nghèo có ít nhất 1 người tham gia thị trường lao động, huyện Bắc Hà đã phân luồng học sinh để đào tạo văn hóa và đào tạo nghề, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh tuyển dụng lao động; đẩy mạnh hình thức du học tại nước ngoài, đi lao động nước ngoài tại các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2023, huyện Bắc Hà - địa phương đầu tiên của cả tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát việc làm, thu nhập và dự báo nhu cầu đi làm của người lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Trong 8.000 lao động trên địa bàn huyện được điều tra, có 5.454 lao động đang làm việc tại công ty, doanh nghiệp và tập trung ở các nhóm ngành nghề như sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, may mặc, giày da, xây dựng, cơ khí, sửa chữa, mộc, nội thất… với thu nhập trung bình 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, có 2.135 lao động có nhu cầu đi làm việc tại công ty, doanh nghiệp. Năm 2023, huyện đã giải quyết việc làm mới cho 1.517 lao động, chủ yếu là đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, các lao động địa phương đi làm việc có thu nhập tương đối tốt và ổn định, thậm chí nhiều lao động có tích lũy từ việc đi làm tại các công ty, doanh nghiệp. Điều này có thể thấy rõ ở xã Bản Phố - địa phương có diện tích đất sản xuất nông - lâm nghiệp không nhiều nên không ít lao động đã chọn hướng đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Năm 2023, xã Bản Phố có 520 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Dương. Điều đáng nói là trong số lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, có tới 65% thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong số 70 hộ thoát nghèo, có tới hơn 50% là do đi làm việc tại các khu công nghiệp.

Ông Vàng Seo Chua ở thôn Làng Mới, xã Bản Phố cho biết: Nhờ có 2 người con đi làm cho doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương với thu nhập 12 -13 triệu đồng/người/tháng mà ngoài số tiền hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông có điều kiện xây căn nhà kiên cố với giá trị hơn 300 triệu đồng.

Ngoài giải quyết bài toán về thu nhập, huyện Bắc Hà đã chỉ đạo các ngành, địa phương huy động nguồn lực hỗ trợ cải thiện cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm 2023, huyện đã dành 11 tỷ đồng (ngân sách Trung ương bố trí 10 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí 1 tỷ đồng) hỗ trợ xây mới nhà ở cho 250 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 18 xã.

Tiếp tục thực hiện tốt “3 trụ cột” trong công tác giảm nghèo, huyện Bắc Hà phấn đấu năm 2024 tỷ lệ giảm nghèo đạt 8,52%. “Để thực hiện được mục tiêu đề ra, các ngành, địa phương trong huyện tiếp tục đồng hành với người nghèo, tạo điều kiện để người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản bị thiếu hụt; nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động gắn với nhu cầu thị trường, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; tập trung giải quyết việc làm cho lao động địa phương”, ông Lê Văn Khiêm, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà khẳng định.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhieu-ket-qua-trong-cong-tac-giam-ngheo-o-bac-ha-post378888.html