Nhiều kết quả trong giảm nghèo ở Nậm Chày

Từ đầu năm đến nay, xã Nậm Chày (Văn Bàn) giảm thêm 38 hộ nghèo, nâng thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với xã nằm trong danh sách 10 xã nghèo nhất tỉnh.

Gia đình chị Vàng Thị Pà, thôn Hỏm Trên là điển hình của xã Nậm Chày về phát triển kinh tế. Nhận thấy lợi thế của địa phương có thể chăn nuôi trâu vỗ béo, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư vốn làm chuồng, trồng cỏ và mua trâu về nuôi. Từ 3 con trâu ban đầu, có thời điểm tổng đàn trâu của gia đình lên đến 20 con. Việc tích cực phát triển kinh tế đã giúp gia đình chị Pà trở nên khá giả, trung bình mỗi năm có nguồn thu gần 100 triệu đồng từ nuôi trâu vỗ béo.

Trên địa bàn xã Nậm Chày có nhiều hộ mạnh dạn phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao, như các gia đình: Chị Vù Thị Dua, thôn Hỏm Dưới với mô hình chăn nuôi lợn, trồng rừng, có nguồn thu hơn 100 triệu đồng/năm; ông Vù A Páo, thôn Lán Bò, chăn nuôi lợn đen, thu hơn 80 triệu đồng/năm…

Năm 2022, xã Nậm Chày có 267/551 hộ nghèo, chiếm 48,46%; 83 hộ cận nghèo, chiếm 15,06%. Đến hết tháng 10/2023, xã giảm được 38 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 40,8%, 94 hộ cận nghèo, chiếm 16,76%. Xã đã xây dựng kế hoạch và phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ nghèo trên địa bàn còn dưới 15%.

Để đạt mục tiêu đề ra, xã tích cực triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dự án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Xã chỉ đạo người dân tập trung sản xuất cây lương thực. Theo đó, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đạt 2.297 tấn (vượt kế hoạch 12%), sản xuất vụ đông đạt 100% kế hoạch giao; vận động các hộ liên kết với doanh nghiệp trồng 50 ha gừng, phát triển đàn gia súc hơn 3.000 con. Xã đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và doanh nghiệp hỗ trợ giải quyết việc làm cho 81 người, đạt 120% kế hoạch năm…

Ông Sùng A Dùng, Chủ tịch UBND xã Nậm Chày cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững; triển khai các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với địa phương như trồng măng sặt, nuôi nhốt đại gia súc, chăn nuôi lợn đen, trồng cây dược liệu…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhieu-ket-qua-trong-giam-ngheo-o-nam-chay-post376142.html