Nhiều kết quả trong hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Hồng Đức
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời hưởng ứng phong trào khởi nghiệp quốc gia, Trường Đại học Hồng Đức tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong tất cả các lĩnh vực. Qua đó, trang bị cho sinh viên những kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, khơi dậy đam mê và ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp - tạo tiền đề giúp sinh viên có thêm động lực, kinh nghiệm trong quá trình lập nghiệp.
Sinh viên Trường Đại học Hồng Đức tham gia học tập theo mô hình không gian giáo dục số “Smart Edu Hub”.
Để hoạt động đào tạo sinh viên khởi nghiệp ĐMST đạt hiệu quả, nhà trường chú trọng việc trang bị kiến thức về khởi nghiệp, sáng tạo cho sinh viên. Giai đoạn 2017-2020, thực hiện kế hoạch đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân của UBND tỉnh Thanh Hóa, mỗi năm nhà trường tổ chức đào tạo 3 - 4 lớp cho 300 - 400 sinh viên đang học năm thứ 3, năm thứ 4 tại trường. Đặc biệt, nhà trường đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao thực hiện nhiệm vụ của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, đề án đã đào tạo 35 chuyên gia khởi nghiệp là cán bộ, giảng viên và trang bị kiến thức về khởi nghiệp ĐMST cho hơn 600 lượt sinh viên của nhà trường. Đồng thời, chú trọng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng phát huy năng lực người học và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Chương trình được đổi mới theo hướng giảm giờ học lý thuyết, tăng khối lượng thực hành, chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên ra trường tự tin tiếp cận với công việc.
Cùng với đó, phong trào sinh viên khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo và sinh hoạt các câu lạc bộ học thuật trong nhà trường cũng diễn ra sôi nổi với các hội thi chuyên môn nghiệp vụ, rèn nghề cho sinh viên, tiêu biểu như các cuộc thi: sinh viên khởi nghiệp, Festival kinh tế; nghiệp vụ sư phạm; hướng dẫn viên du lịch; hành trình địa lý vì sự phát triển bền vững; giao lưu văn hóa Anh - Việt - Mỹ... Đây thực sự là những ngày hội và là sân chơi bổ ích cho sinh viên. Bên cạnh đó, để khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo của tuổi trẻ, tạo tiền đề cho sinh viên khởi nghiệp trong tương lai, nhà trường thường xuyên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên ở tất cả các khoa, các ngành. Nhiều đề tài của sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ở cấp trường, cấp bộ. Một số đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, có ý nghĩa trong đời sống thực tế, như: Dự án “Nơi bảo tồn và phát triển thương hiệu nước mắm truyền thống Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa”, dự án “Nhà máy sản xuất thuốc nam và trồng cây dược liệu”, dự án “Sản xuất nấm đối kháng, chế phẩm sinh học, thuốc sinh học và phân hữu cơ để chăm sóc và chữa bệnh cho cây”... đã đoạt các giải cao tại các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên cấp tỉnh...
Xác định để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc gia, có khả năng thích ứng với sự đa dạng và sự phát triển không ngừng của thị trường lao động; giai đoạn 2021-2025, Trường Đại học Hồng Đức tiếp tục chủ động, sáng tạo trong dạy học và nghiên cứu khoa học. Đồng thời chú trọng công tác khởi nghiệp ĐMST nhằm tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên phát huy hết khả năng sáng tạo và khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp. Đặc biệt, tháng 1/2023, Trường Đại học Hồng Đức đã thành lập “Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST” với sứ mệnh kết nối, hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã có rất nhiều hoạt động phong phú và đa dạng như: mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, giảng viên trong nhà trường và học sinh, sinh viên; ra mắt làng sinh viên khởi nghiệp, ĐMST; xây dựng các nguồn quỹ hỗ trợ cho các hoạt động ý tưởng sáng tạo của sinh viên. Từ đó đã lan tỏa được tinh thần khởi nghiệp, ĐMST trong nhà trường... Qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động ĐMST, hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển giao kiến thức và công nghệ, tạo ra giá trị mới; đóng góp trực tiếp vào công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội...
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, giai đoạn 2019-2023, nhà trường đã kết nối và hỗ trợ tư vấn chiến lược thành lập các doanh nghiệp ĐMST; hỗ trợ tìm và huy động nguồn vốn; hỗ trợ gọi vốn và cố vấn chuyên môn cho các dự án khởi nghiệp cho nhiều lượt cá nhân, công ty, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường đã đào tạo 11 khóa khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân trên địa bàn toàn tỉnh cho 1.100 học viên, trong đó, có 1 khóa khởi nghiệp ĐMST cho 100 học viên; đào tạo 2 khóa vườn ươm khởi nghiệp... Ngoài ra, giai đoạn 2015-2023, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hồng Đức đã thực hiện 440 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Có 7 sản phẩm là kết quả nghiên cứu được đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ và một sản phẩm đang gửi hồ sơ đăng ký. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học do cán bộ, giảng viên nhà trường thực hiện cũng như ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học tăng dần qua từng năm học. Gần 100% các đề tài, dự án đều được ứng dụng trong đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả quản lý tại trường. Nhiều đề tài được triển khai ứng dụng trong thực tiễn quản lý, sản xuất, đời sống và kinh doanh.
Trong chiến lược phát triển, Trường Đại học Hồng Đức xác định đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng cao, có khả năng ĐMST, thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và đất nước. Vì vậy, thời gian tới, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong dạy học và nghiên cứu khoa học; không ngừng đẩy mạnh hoạt động đào tạo sinh viên khởi nghiệp, ĐMST, tạo cho sinh viên những cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để có thể phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, qua đó, khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.