Nhiều khách hàng nước ngoài tìm mua đồ nội thất Việt Nam
Ngành gỗ và nội thất của Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của khách hàng quốc tế, mở ra triển vọng tích cực về xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố dịch bệnh và căng thẳng chính trị…
Kết nối doanh nghiệp Việt với nhà mua hàng quốc tế
Trong chuỗi sự kiện tuần lễ giao thương ngành nội thất Việt Nam - Vietnam Furniture Matching Week 2022 (VFMW 2022) do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 13/4 đã thu hút đông đảo sự chú ý của doanh nghiệp nội địa lẫn quốc tế, nhất là đội ngũ mua hàng quốc tế đến từ rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như Mitchell Gold + Bob Williams, Lidl & Kaufland Asia, Target Corporation, HOME DEPOT, Williams Sonoma Vietnam LLC, OBI Group sourcing Hong Kong Limited in Vietnam, Delta-Sport Vietnam, TIJ Việt Nam, Four Hand…
Đại diện ban tổ chức cho biết, đây là hoạt động được tổ chức kết hợp hình online và offline nhằm kết nối các nhu cầu kinh doanh trong toàn hệ sinh thái ngành, từ khối sản xuất, thiết kế, phân phối đến các dịch vụ phụ trợ quan trọng như vận chuyển, kiểm định…
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm tại gian trưng bày triển lãm. Ảnh: CTV
So với năm 2021, nền tảng triển lãm trực tuyến (HOPE) đã được cải tiến đáng kể về mặt công nghệ lẫn nội dung, bổ sung các công cụ kết nối trực tuyến hiện đại, nhằm phục vụ tốt hơn công tác giao thương (B2B online matching) cho các doanh nghiệp tham gia.
Song song với các hoạt động kết nối giao thương, các sự kiện bên lề cũng sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, mang tính thời sự về ngành, cũng như những đề xuất để doanh nghiệp thích ứng tốt hơn trong điều kiện hiện nay. Từ những vấn đề nóng sốt, được quan tâm như xu hướng logistics, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cho đến chuỗi cung ứng vật liệu nội thất và hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành gỗ.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA cho biết, trong suốt 2 năm 2020 và 2021 khi dịch bện Covid-19 làm gián đoạn các chương trình giao thương trực tiếp, với sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng sự vào cuộc của Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, HAWA cùng cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ đã nhanh chóng chuyển các hoạt động xúc tiến thương mại sang hình thức trực tuyến. Đồng thời, hiệp hội và các doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng cơ hội trực tiếp với hệ thống các nhà mua hàng tại chỗ, các văn phòng đại diện, cơ quan thương vụ các nước nhập khẩu và xuất khẩu tại Việt Nam.
Ra đời trong bối cảnh dịch bệnh, tuần lễ giao thương ngành nội thất Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ. Theo ông Khanh, những hoạt động xúc tiến thương mại liên tục, sáng tạo đã góp phần giúp ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ đạt mục tiêu tăng trưởng những năm qua, cũng như tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam
Hiện nhiều khách hàng quốc tế đang có xu hướng dịch chuyển đơn hàng về Việt Nam. Bà Tracy Trần - đại diện mua hàng của Mitchell Gold + Bob Williams tại Việt Nam chia sẻ, nếu như năm 2019, doanh nghiệp chỉ có 4 đối tác cung ứng tại Việt Nam, nhưng hiện tại đã có 16 nhà máy hợp tác cung ứng sản phẩm, trong đó có những đối tác được kết nối thông qua sự kiện Vietnam Furniture Matching Week năm 2021. Việt Nam hiện chiếm 70 - 80% tổng sản lượng mua hàng mỗi năm của Mitchell Gold + Bob Williams trên toàn thế giới.
Theo bà Tracy Trần, đồ gỗ và nội thất Việt Nam ngày càng được đánh giá cao nhờ vào chất lượng và giá cả hợp lý so với nhiều thị trường cung ứng khác trong khu vực. Thêm vào đó, việc trao đổi trong các sự kiện giao thương trực tiếp kết hợp nền tảng trực tuyến tạo cơ hội để nhà sản xuất và người mua hàng nắm bắt được nhu cầu, năng lực của nhau, từ đó dễ dàng đi tới các thỏa thuận hợp tác cung ứng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, khác với việc thiếu đơn hàng và tình trạng bị động khi dịch bệnh bùng phát trong năm 2021, năm nay, nhu cầu nội thất thế giới đang trên đà tăng. Doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam hiện đã kín đơn hàng cho đến quý 3, thậm chí là hết năm 2022.
Cụ thể, bà Dương Minh Tuệ - Giám đốc kinh doanh Công ty Gỗ Minh Dương cho biết, hiện công ty đã kín đơn hàng đến hết quý 3 và đang tiếp tục nhận đơn hàng cho quý 4/2022.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch HAWA, cũng cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ quý 1/2022 đã đạt 3,94 tỷ USD, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu duy trì được mức kim ngạch 1,5 tỷ USD mỗi tháng, theo ông Phương, ngành gỗ Việt Nam sẽ hoàn thành được kế hoạch xuất khẩu đạt 16,5 tỷ USD trong năm nay./.