Nhiêu khê chuyện tiếng nói diễn viên

Đại diện nhà sản xuất phim Nữ luật sư cho biết, để tìm kiếm người lồng tiếng cho một diễn viên chính trong phim họ phải casting (thử vai) đến 10 người. Và dù kết quả không được như ý, nhà sản xuất vẫn phải chấp nhận.

Thế khó

Dù được đầu tư bài bản và cao hơn mức kinh phí sản xuất trung bình hiện nay nhưng phim Nữ luật sư (đạo diễn: NSND Trọng Trinh - Lê Minh) vẫn áp dụng việc lồng tiếng. “Phim có tình tiết khá hấp dẫn, diễn viên diễn ổn, nhạc hay và cảnh đẹp. Tôi chỉ tiếc vì lồng tiếng khiến cảm xúc xem phim bị mất đi ít nhiều”, khán giả Nguyễn Ngọc (ngụ quận 4, TPHCM) bày tỏ. Nhân vật khiến chị cảm thấy tiếc nuối nhất trong phim là vai Thái Trung (do NSƯT Ngọc Quỳnh thể hiện). Dù nhập vai tốt, thể hiện đa sắc thái của nhân vật nhưng vì lồng tiếng nên không đẩy mạnh cảm xúc với người xem.

 Phần lồng tiếng cho NSƯT Ngọc Quỳnh (phải) trong phim Nữ luật sư chưa như mong đợi. Ảnh: ĐPCC

Phần lồng tiếng cho NSƯT Ngọc Quỳnh (phải) trong phim Nữ luật sư chưa như mong đợi. Ảnh: ĐPCC

Lý giải việc phải sử dụng lồng tiếng, đại diện nhà sản xuất phim Nữ luật sư cho biết: “Chúng tôi thực sự rất muốn phim thu tiếng trực tiếp vì đa phần các diễn viên đều có đài từ và diễn xuất tốt. Tuy nhiên, vì điều kiện bối cảnh quay phim khá khắc nghiệt với cái nắng, gió và cát của vùng Ninh Thuận nên đành chấp nhận phương án lồng tiếng”. Tuy nhiên, việc chọn người lồng tiếng lại không đơn giản, ê kíp đã casting 10 diễn viên lồng tiếng khác nhau cho vai của Ngọc Quỳnh nhưng kết quả cuối cùng theo chính đạo diễn đánh giá cũng chỉ đạt tầm 70%-80%.

Hiện nay, có một thực tế ở lĩnh vực phim truyền hình là phim do các đơn vị phía Bắc sản xuất đa phần thu tiếng trực tiếp, còn phim của phía Nam vẫn chủ yếu lồng tiếng. Việc lồng tiếng dẫn đến nhiều hệ quả như đường hình và đường tiếng của các diễn viên không thực sự ăn khớp, hay một số bộ phim quy tụ diễn viên 2 miền Nam - Bắc, để đồng nhất giọng nói nhân vật, nhà sản xuất cũng chọn lồng tiếng gây nên những câu chuyện dở khóc dở cười…

Từ kinh nghiệm từng làm cả phim thu tiếng trực tiếp và lồng tiếng, đạo diễn Dũng Nghệ cho biết: “Lồng tiếng giúp ê kíp chủ động xử lý đài từ, tìm được chất giọng phù hợp với tính cách của từng nhân vật, nhưng lại khó tạo ra được không khí, bối cảnh một cách chân thực. Trong khi thu tiếng trực tiếp có ưu điểm như phim sẽ chân thực hơn vì ngữ điệu, lời nói đi kèm với cảm xúc, nét mặt… nhưng lại bị hạn chế bởi không gian quay, chất giọng của diễn viên. Do đó, tùy thuộc vào chi phí sản xuất và mục đích của từng dự án, đạo diễn sẽ lựa chọn phương án phù hợp với tiêu chí ban đầu đã đặt ra”.

Muôn màu muôn vẻ

Hiện với các phim truyền hình phía Nam, việc lồng tiếng thường được giao cho các ê kíp chuyên nghiệp. Nhưng, cũng từ cách làm này đã phát sinh nhiều vấn đề. Các giọng lồng tiếng quen thuộc xuất hiện liên tiếp trong các bộ phim, kênh sóng khác nhau. Khi đồng thời lồng tiếng cho nhiều dạng nhân vật có tính cách, độ tuổi… khác nhau, không phải lúc nào giọng lồng tiếng cũng thuyết phục được khán giả, thậm chí có khi gây tác dụng ngược vì giọng nói một đằng, diễn xuất một nẻo.

Lý do của tình trạng này, theo đạo diễn Dũng Nghệ, tất cả nằm ở vấn đề chi phí sản xuất. “Theo tôi được biết, dự toán để thực hiện một phim truyền hình ở phía Nam gần 20 năm nay không có nhiều thay đổi. Chi phí thấp, diễn viên cũng không quá đầu tư cho vai diễn, với lồng tiếng diễn viên không cần thuộc thoại hay đúng thoại, đúng cảm xúc. Thậm chí, một ngày, diễn viên có thể chạy show 3 phim khác nhau”.

Đó cũng là lý do, dù biết thu tiếng trực tiếp khó hơn nhưng diễn viên trẻ Hoàng Nguyên cho biết, nếu được, anh vẫn chọn cách này. “Chỉ khi học kỹ kịch bản, hiểu rõ cảm xúc nhân vật thì phần tiếng mới thể hiện tốt. Tôi đã từng lồng tiếng cho chính nhân vật mình đóng và có cảm giác thật kỳ lạ. Cảm xúc khi lồng tiếng sẽ khác với cảm xúc lúc diễn, đó là chưa kể việc sửa, thêm bớt thoại”, diễn viên Hoàng Nguyên chia sẻ.

Với phim truyền hình, việc lựa chọn lồng tiếng hay thu tiếng trực tiếp tùy thuộc vào mỗi ê kíp. Phương án nào cũng có ưu và nhược điểm riêng. Theo đạo diễn Dũng Nghệ, tốt nhất nên sử dụng cả hai phương án thu tiếng trực tiếp và lồng tiếng để bổ trợ cho nhau như cách nhiều phim điện ảnh đang áp dụng. Riêng với phim thu tiếng trực tiếp sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở năng lực của diễn viên, sự chuẩn bị của đoàn phim.

“Diễn viên phải là những người vừa có khả năng diễn tốt, vừa có chất giọng và đài từ phù hợp với đặc điểm tính cách nhân vật. Ngoài ra, bối cảnh phải đảm bảo không có tạp âm như trong trường quay. Điều này đòi hỏi sự khác biệt rất lớn trong khâu chuẩn bị, đầu tư cho dự án”, đạo diễn Dũng Nghệ cho biết.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-khe-chuyen-tieng-noi-dien-vien-post742720.html