Nhiều khu dân cư thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Hiện nay, có những khu dân cư trên địa bàn tỉnh người dân chưa tiếp cận được nguồn nước từ các công trình cấp nước sạch tập trung. Trong khi, đây đang là thời điểm thời tiết hanh khô kéo dài, nguồn nước ngầm, nước mặt bị thiếu hụt. Điều này đã khiến bà con vô cùng khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Thôn Cao Thắng, xã Đức Long, huyện Nho Quan là một thung lũng nằm biệt lập bao quanh tứ bề là núi, cách xa trung tâm xã. Không chỉ trắc trở về địa lý, cuộc sống của khoảng 250 hộ dân với hơn 1 nghìn nhân khẩu ở đây còn vô cùng khó khăn khi chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Để phục vụ sinh hoạt, bà con phải khoan giếng, xây bể trữ nước mưa…
Thế nhưng tình trạng thiếu nước vẫn thường xuyên diễn ra trong những tháng cao điểm mùa khô. Bà Nguyễn Thị Sự, một người dân trong thôn chia sẻ: 5-7 năm trước, gia đình đã bỏ ra 7 triệu đồng để khoan giếng lấy nước sinh hoạt nhưng dùng được 3 năm thì đường ống bị vít không bơm được nước nữa, đành chuyển sang dùng nước ao, ngòi đầu thôn, hoặc thỉnh thoảng đi bơm giếng nhà hàng xóm.
Được một thời gian, sinh hoạt khó khăn quá, năm ngoái cả nhà lại gom góp tiền khoan 1 cái giếng khác mất 12 triệu. Lần này, tệ hơn vì chỉ dùng được có 5-6 tháng giếng lại bị vít, phải bỏ đi. Giờ mọi sinh hoạt của gia đình nhờ cả vào bể nước mưa hơn chục khối mà 3 tháng rồi không mưa nên chỉ còn một phần tư bể. Mỗi ngày cả nhà chỉ được dùng tối đa 15 lít nước. Nhiều hộ dân khác trong thôn cũng bức xúc: Bà con chúng tôi nghèo đi vì nước bởi nhà nào cũng mất hàng chục triệu đồng khoan giếng, có hộ kém may mắn phải khoan đi khoan lại 2-3 lần mới được. Nhưng trớ trêu là chất lượng nước giếng cũng không được đảm bảo, thường xuyên nhiễm phèn, mặn, tanh hôi khó chịu thế là các gia đình lại phải bỏ ra một khoản tiền nữa để mua nước đóng bình về dùng cho ăn uống.
Ông Nguyễn Văn Đình, Trưởng thôn Cao Thắng cho biết: Vùng này vào mùa mưa thường xuyên bị lũ lụt, các giếng đều ngập hết. Ngược lại vào mùa khô, nước giếng bị nhiễm phèn, mặn, không dùng cho ăn uống được. Cũng có nhiều đoàn khảo sát về kiểm tra đánh giá chất lượng nước giếng ở vùng này rồi và đã kết luận các chỉ số không đảm bảo. Chúng tôi mong mỏi có nước sạch sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung, tiếp xúc cử tri lần nào cũng kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Theo lãnh đạo UBND xã Đức Long thì vấn đề nước sạch ở thôn Cao Thắng là rất bức thiết. Xã đã tính toán xây dựng 2 phương án: một là xây một trạm cấp nước sạch mini cho riêng thôn Cao Thắng, hai là đấu nối đường ống dẫn nước từ trạm nước sạch của xã vào.
Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều cần nguồn kinh phí khá lớn và nằm ngoài khả năng của xã. Thiếu nước sạch cũng là tình trạng diễn ra trong nhiều năm qua ở thôn Hiền Quan, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan. Cả thôn có hơn 750 nhân khẩu và hàng ngày đang dùng nguồn nước khan hiếm, kém chất lượng từ ao, ruộng, giếng đào và nước mưa cho sinh hoạt. Gần 9,5 triệu đồng là khoản kinh phí mỗi hộ phải bỏ ra nếu muốn lắp đặt hệ thống nước sạch. Đây là số tiền không nhỏ đối với các gia đình ở vùng nông thôn nên cho đến nay các gia đình vẫn phải dùng nước không đảm bảo vệ sinh.
Ông Quách Đại Thành, Trưởng thôn Hiền Quan cho biết: Về mùa hanh khô nguồn nước ruộng, nước mặt xuống thấp, nhiều giếng bị cạn, mưa thì chưa có, bà con trong thôn vô cùng khó khăn trong tìm kiếm nước để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Bà Lưu Thị Hưng, Chủ tịch UBND xã Lạc Vân thông tin: Xã có 10 đơn vị thôn xóm với hơn 1.500 hộ dân. Hiện đã có khoảng 1.000 hộ được dùng nước sạch đấu nối từ 2 trạm cấp nước tập trung của xã Gia Tường và xã Thượng Hòa. Ngoài ra, trên địa bàn cũng có trạm nước sạch xóm 2, cấp nước cho xóm 2 và một số hộ thuộc xóm 3 và thôn Bình An. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 500 hộ dân khác thuộc xóm 1, xóm 4, thôn Hiền Quan và một số hộ còn lại của xóm 3 và thôn Bình An là chưa được dùng nước sạch sinh hoạt.
Không chỉ có người dân ở Đức Long, Lạc Vân thiếu nước sạch bởi theo thông tin từ Sở Nông nghiệp&PTNT, hiện toàn tỉnh mới chỉ có 63% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Được tiếp cận, sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý là nhu cầu chính đáng đồng thời cũng là quyền lợi của người dân nông thôn.
Do vậy thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng xem xét sớm có phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt để cấp nước sạch cho người dân các địa phương. Trong đó cần ưu tiên cho các vùng khó khăn về nguồn nước; khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; vùng sâu, vùng xa và miền núi.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu