Nhiều khu trọ công nhân phải rao bán do lượng khách thuê giảm mạnh
Bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải, cắt giảm nhân lực tại các khu công nghiệp, loại hình phòng trọ công nhân không duy trì được tỷ lệ lấp đầy cao như trước. Nhiều chủ trọ đã phải rao bán cả khu trọ để bắt đầu tìm hướng kinh doanh mới.
Bán cả khu trọ vì tỷ lệ lấp đầy giảm mạnh
Là loại hình có tỷ lệ lấp đầy gần 100%, các khu nhà trọ giá rẻ dành cho người lao động có thu nhập thấp là mô hình kinh doanh dòng tiền rất thịnh hành trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên trong thời gian qua, do ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm lao động tại tại khu vực phía Nam, tập trung vào một số ngành nghề chính bị thiếu đơn hàng như dệt may, da giày… đã khiến nhiều khu trọ bị ảnh hưởng nặng nề.
Trên các diễn đàn nhà đất, nhiều thông tin đăng bán khu trọ đã được đăng tải trong 2 tháng trở lại đây với giá rao “cắt lỗ” từ 1-2 tỷ đồng so với định giá ngân hàng. Thậm chí một số khu trọ còn nằm tại các vị trí đắc địa, khi kề cận các khu công nghiệp, chế xuất hay các trường đại học.
Cụ thể tại khu vực phường Linh Chiểu (Thủ Đức, TP HCM), một chủ nhà đang rao bán cắt lỗ một dãy phòng trọ rộng hơn 200m2 với 8 phòng trọ giá rẻ, có thể mang lại dòng tiền 16 triệu/đồng tháng. Người này cho biết, khu nhà trọ này được ngân hàng định giá 6 tỷ đồng, nhưng do đang “ngộp” nên cần bán gấp với giá 4 tỷ đồng.
Hay tại “thủ phủ phòng trọ” Bình Chánh (TP HCM), một khu trọ rộng hơn 700m2 với 40 phòng trọ cũng đang được rao bán với giá 14 tỷ đồng. Chủ nhà cho biết hiện khu trọ có thể mang lại thu nhập 60 triệu đồng/tháng, nhưng không có người quản lý nên cần bán gấp. Cũng tại khu vực này, một khu trọ gồm 12 phòng và 2 kiot mặt tiền kinh doanh cũng đang được rao bán với giá 21 tỷ đồng. Chỉ riêng khu nhà trọ có thể cho thu nhập 30 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên qua tìm hiểu trước đó, việc đảm bảo sinh dòng tiền như các tin đăng rao đang rất khó đạt được trong giai đoạn hiện tại, khi mà lượng công nhân, lao động thu nhập thấp thuê phòng trọ giá rẻ đã giảm mạnh. Tại một số khu vực cho thuê trọ tại Bình Chánh, tỷ lệ lấp đầy cũng chỉ ghi nhận ở mức 50%-60%. Nhiều chủ trọ còn phải giảm giá phòng để giữ chân người thuê, đồng thời tạo điều kiện cho khách thuê trong giai đoạn công việc khó khăn.
Là chủ một khu trọ 20 phòng tại khu vực Tân Tạo A (quận Bình Tân, TP HCM), chị Lê Thị Thanh Thanh cho biết, chưa bao giờ khu trọ của chị lại gặp tình trạng ế ẩm như hiện tại.
“Vài tháng gần đây, khu trọ của tôi chỉ có khoảng 12 phòng có khách thuê, trong đó có một nửa đã mất việc và đang làm các công việc lao động tự do như tài xế công nghệ để bám trụ lại đây. Tôi cũng phải giảm 20% giá phòng để hỗ trợ mọi người, không thì cũng phải bỏ trống thêm nhiều phòng nữa. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều chủ trọ trong khu vực”, chị Thanh chia sẻ.
Ngoài các khu trọ giá rẻ, tại một số khu vực gần trung tâm hơn như Gò Vấp, Tân Bình cũng xuất hiện tình trạng trống phòng tại một số khu căn hộ dịch vụ tầm trung, với mức giá từ 3,5 triệu/tháng trở lên. Các khu này thường được người lao động thuê chung phòng khiến tỷ lệ lấp đầy tăng cao, nhưng trong thời gian gần đây, lượng khách từ nhóm này thiếu hụt nên các chủ nhà phải bỏ thêm chi phí tìm khách. Tuy nhiên vẫn có một số chủ căn hộ dịch vụ “bỏ cuộc”, phải rao bán nhà để chuyển hướng kinh doanh.
Tình trạng trống phòng sẽ còn tiếp diễn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng trong quý III/2023, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, tương ứng là 2,87% và 3,08%. Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng buộc phải cho lao động nghỉ giãn việc vẫn tiếp diễn.
Đáng chú ý, số lao động bị mất việc trong quý III là 118,4 nghìn người, giảm 99,4 nghìn người so với quý trước. Trong đó, tập trung chủ yếu ở Bình Dương là 33,6 nghìn người và TP HCM là 34,6 nghìn người, do các địa phương này có nhiều lao động thuộc ngành dệt may và da giày, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều
Nghiên cứu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP HCM cũng cho thấy, thị trường lao động tại thành phố năm 2023 có nhiều biến động, đáng chú ý tình trạng cắt giảm lao động vẫn diễn ra ở nhiều ngành nghề.
Theo kết quả khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp và hơn 233.400 lao động đang làm việc của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP HCM mới đây đã chỉ ra, trong 3 tháng gần đây, có hơn 1.200 doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong năm 2023, chiếm 12,73% tổng doanh nghiệp khảo sát.
Đặc biệt các ngành nghề, lĩnh vực cắt giảm nhân lực khá rộng, gồm: Bán buôn; xây dựng nhà các loại; bán, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động kiến trúc, kiểm tra và phân tích kỹ thuật; hoạt động xây dựng chuyên dụng; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; bán lẻ; vận tải đường sắt, đường bộ và vận tải đường ống; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng…
Việc cắt giảm lao động diễn ra dưới nhiều thức thức, trong đó có 800 doanh nghiệp lựa chọn hình thức giảm giờ làm hoặc nghỉ việc luân phiên (chiếm gần 62%); có 121 doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương (chiếm 9,34%); 122 doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương (chiếm 9,42%) và 251 doanh nghiệp lựa chọn hình thức cho lao động thôi việc (chiếm 19,38%).
Với những khó khăn được thấy rõ thông qua số liệu nói trên, nhiều ý kiến cho rằng thị trường cho thuê phòng trọ sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn sắp tới. Do đó tình trạng bán cả khu trọ sẽ còn tiếp diễn tại các tỉnh thành gặp tình trạng cắt giảm việc làm như TP HCM hay Bình Dương.