Nhiều kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức tiếp xúc cử tri 6 xã thuộc 3 huyện biên giới: Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai; đồng thời tiếp thu ý kiến, kiến nghị bằng văn bản của các sở, ngành, địa phương để gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét giải quyết.

Vẫn còn khó khăn, tồn tại

Trong các buổi tiếp xúc, cử tri đều đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ trong thời gian qua. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường nhưng Chính phủ đã điều hành đạt “mục tiêu kép”, vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, Chính phủ đã điều hành thực hiện tốt các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát; các giải pháp tiết kiệm chi được thực hiện triệt để nhằm bảo đảm nguồn lực cho việc phòng-chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng-an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Chư Prông trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Chư Prông trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn, lo lắng trước những vấn đề như: giá cả nông sản xuống thấp trong khi giá vật tư đầu vào sản xuất lại tăng cao gây khó khăn cho nông dân; kết cấu hạ tầng ở cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng biên giới tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống người dân. Bên cạnh đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, nhiều học sinh bán trú thuộc diện hỗ trợ bị cắt chế độ do các em không còn nằm trong khu vực đặc biệt khó khăn; chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho vùng đồng bào DTTS cũng bị cắt. Ngoài ra, biên chế ngành Giáo dục còn thiếu nhiều, gây khó khăn cho việc dạy và học của các nhà trường; việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân còn chậm. Cử tri đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, các cấp quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại nói trên.

Cần tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế

Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, cử tri đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi điểm b, khoản 1, Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 quy định “hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác”. Theo cử tri, quy định như vậy không phù hợp với vùng Tây Nguyên vì đất nơi đây chủ yếu được khai hoang và công nhận diện tích đất lớn nên việc quy định hạn mức hiện nay gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, chưa đảm bảo được quyền lợi của người sử dụng đất. Cùng với đó, cử tri đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm phân bổ vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030) để các địa phương chủ động đầu tư triển khai các chương trình này trên địa bàn.

Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông). Ảnh: Lê Nam

Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông). Ảnh: Lê Nam

Đối với Bộ Nông nghiệp và PTNT, cử tri kiến nghị xem xét, hướng dẫn tỉnh tháo gỡ những khó khăn tại Dự án thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) bởi phần lớn diện tích vùng tưới đã được quy hoạch của công trình nằm trên đất rừng, muốn trở thành vùng tưới thì vùng đất lâm nghiệp này phải chuyển đổi thành đất nông nghiệp, sản xuất lúa nước và hoa màu. Cùng với đó, Bộ cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách, thành lập quỹ phòng-chống dịch bệnh để hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò, các loại dịch bệnh trên cây hồ tiêu, cà phê, mì, bắp... Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần phối hợp với Bộ Công thương có giải pháp bình ổn giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo hoạt động sản xuất và đời sống của người dân bởi các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giá tăng quá cao trong khi giá lúa được thu mua quá thấp.
Cử tri cũng kiến nghị Bộ Công thương tham mưu cho Chính phủ có chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, phân bón trong nước ở mức hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Bởi lẽ, giá cả các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: thức ăn chăn nuôi, phân bón đều tăng cao, trong khi đó, giá nhiều loại mặt hàng nông sản tươi như: rau quả, thịt heo hơi giảm khiến nông dân gặp khó khăn trong đầu tư sản xuất.

Đối với Bộ Giao thông-Vận tải, cử tri kiến nghị cần quan tâm mở rộng quốc lộ 19 đoạn qua thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) dài khoảng 6 km đảm bảo đúng quy hoạch và triển khai xây dựng đường tránh từ cầu Châu Khê (xã Đak Yă) đến cầu Linh Nham (xã Đak Djrăng). Đồng thời, quan tâm chỉ đạo các đơn vị thi công sớm khắc phục tình trạng mặt đường hư hỏng nặng, rãnh thoát nước dọc hai bên đường chưa có để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông tại đoạn quốc lộ 19 qua khu dân cư thuộc địa bàn xã Hà Tam, huyện Đak Pơ. Vào mùa mưa, mặt đường ở đoạn này bị xuống cấp nghiêm trọng, tại một số vị trí nước mưa chảy ngược vào nhà dân và tràn ngập ra đường gây khó khăn cho việc đi lại, làm mất an toàn giao thông và gây bức xúc cho các hộ dân dọc hai bên tuyến quốc lộ 19. Cũng theo kiến nghị của cử tri, hiện tại, quốc lộ 25 đi qua địa bàn huyện Phú Thiện đã được nâng cấp. Tuy nhiên, phía hai bên đường chưa có mương thoát nước nên bị ngập úng làm thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân; đoạn đi qua địa bàn xã Ia Sol đã có hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập. Bộ Giao thông-Vận tải cần chỉ đạo các đơn vị thi công khắc phục tình trạng này và đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25 đoạn qua thị trấn Phú Thiện để giảm thiểu ách tắc giao thông, tai nạn, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Giải quyết những bất cập trong lĩnh vực y tế, giáo dục

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế. Theo đó, cử tri đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Luật BHYT cho phù hợp với từng nhóm đối tượng trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ, đặc biệt là tăng mức hỗ trợ, tăng thời gian hỗ trợ và giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện dưới 20 năm để được hưởng chế độ hưu trí. Có cơ chế linh hoạt trong việc lựa chọn đăng ký khám-chữa bệnh ban đầu cho người dân khi tham gia BHYT.

Cử tri xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) phát biểu ý kiến. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cử tri xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) phát biểu ý kiến. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cử tri cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian được hưởng BHYT đối với đồng bào DTTS sống ở vùng đặc biệt khó khăn vừa được ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 để đảm bảo quyền lợi người dân được thụ hưởng chính sách BHYT đến hết năm 2021 vì việc cắt chế độ bị động làm ảnh hưởng đến việc đóng BHYT và quyền lợi của người dân.
Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị Bộ Y tế tăng cường phân bổ vắc xin phòng Covid-19 cho tỉnh Gia Lai để tăng cường hiệu quả phòng-chống dịch cho người dân; hỗ trợ trang-thiết bị kỹ thuật cao như: hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo), máy thở không xâm nhập, hệ thống oxy dòng cao HFNC, máy lọc máu liên tục... để thực hiện Quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29-7-2021 cua Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng”. Có hướng dẫn quy định về sử dụng đồ bảo hộ, khẩu trang và kinh phí hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phù hợp với thực tế. Bộ Tài chính cần đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh còn khó khăn để đảm bảo công tác phòng-chống dịch.

Đối với lĩnh vực giáo dục, cử tri cho rằng việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành Giáo dục các địa phương, nhất là giáo viên mầm non và tiểu học.

Cử tri cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quan tâm rà soát, đánh giá tính phù hợp định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 của Liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu phù hợp đề nghị bố trí người làm việc đảm bảo theo định mức, nếu không đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Cùng với đó, cử tri đề nghị 2 Bộ nghiên cứu quy định mức chuẩn về định mức số lượng người làm việc trong trường phổ thông ở các cấp học áp dụng chung trên toàn quốc. Vì theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Điều 6 Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT quy định về định mức số lượng người làm việc đều dùng từ “bố trí tối đa... giáo viên/lớp”, như vậy khó khăn cho việc triển khai tại địa phương.

HÀ SỰ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12375/202110/nhieu-kien-nghi-gui-den-ky-hop-thu-2-quoc-hoi-khoa-xv-5754146/