Nhiều kiến nghị kiểm toán bị 'treo', trên 60.000 tỉ đồng chưa được xử lý

Theo Kiểm toán Nhà nước, trong những năm qua, nhiều kiến nghị của KTNN chưa được thực thi, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí

Ngày 2-6, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thông tin một số kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Theo cơ quan này, đến thời điểm 31-12-2023, tổng số kiến nghị liên quan đến tài chính chưa được thực hiện lên tới trên 60 ngàn tỉ đồng, trong đó có những kiến nghị kéo dài.

Phó Tổng KTNN Nguyễn Tuấn Anh cho biết tổng số kiến nghị liên quan đến tài chính chưa được thực hiện lên tới trên 60 ngàn tỉ đồng

Phó Tổng KTNN Nguyễn Tuấn Anh cho biết tổng số kiến nghị liên quan đến tài chính chưa được thực hiện lên tới trên 60 ngàn tỉ đồng

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng KTNN cho biết nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị về tài chính phần lớn thuộc về đơn vị được kiểm toán, chiếm tới hơn 39.803 tỉ đồng (59%). Luật Kiểm toàn Nhà nước đã quy định báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, việc chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán về tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước (NSNN) ngoài việc kỷ luật tài chính chưa được thực hiện nghiêm, còn có thể có tác động về hiệu quả kinh tế khi không kịp thời huy động các khoản thu NSNN, thu hồi kịp các khoản chi sai để đáp ứng nhu cầu chi NSNN, giảm bội chi.

Bên cạnh đó, việc chậm kiến nghị kiểm toán quá kéo dài dẫn đến rủi ro không hoàn thành việc thực hiện được kiến nghị trong các trường hợp như: thất lạc hồ sơ, vướng mắc trong đôn đốc chủ thể có trách nhiệm thực hiện kiến nghị hoặc liên quan đến thực hiện kiến nghị (tổ chức phá sản, giải thể, sát nhập, chia tách,...; cá nhân nghỉ chế độ, mất, thanh lý hợp đồng...).

Để hạn chế tình trạng kiến nghị kiểm toán tồn đọng kéo dài, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết KTNN sẽ đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định của Luật KTNN nhằm tăng cường trách nhiệm các cơ quan trong việc chấp hành, thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Theo Phó Tổng KTNN, các đơn vị kiểm toán sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đúng quy định.

KTNN cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện; nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, đề ra các giải pháp và phối hợp với KTNN để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng.

Đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm, kéo dài nhiều năm việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm.

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết KTNN cũng đề nghị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, đặc biệt là các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện còn tồn đọng; kịp thời làm rõ nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị để phối hợp với KTNN và các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-kien-nghi-kiem-toan-bi-treo-tren-60000-ti-dong-chua-duoc-xu-ly-196240602131549929.htm