Nhiều kinh nghiệm, giải pháp về bảo đảm trật tự ATGT

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do UBND tỉnh tổ chức sáng nay 19-7, đã có nhiều bài học kinh nghiệm, giải pháp được các sở, ngành, địa phương, đơn vị đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác này thời gian tới.

Giải pháp kéo giảm TNGT 6 tháng cuối năm

Về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) 6 tháng đầu năm 2024, thành phố Đồng Xoài là 1 trong 2 địa phương của tỉnh Bình Phước tăng cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, xảy ra 24 vụ TNGT (tăng 14 vụ, tăng 140%), 8 người chết (tăng 4 người, tăng 100%), 22 người bị thương (tăng 17 người, tăng 340%). Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an thành phố Đồng Xoài, nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT chủ yếu do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, thiếu tự giác, không gương mẫu trong việc chấp hành cũng như giáo dục con em mình. Thêm vào đó, tốc độ đô thị phát triển nhanh, phương tiện giao thông nhiều khiến xảy ra tình trạng quá tải trên một số tuyến đường nội ô. Công tác tuyên truyền về trật tự ATGT còn chưa sâu rộng đến tất cả các đối tượng tham gia giao thông.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an thành phố Đồng Xoài chia sẻ tại hội nghị

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an thành phố Đồng Xoài chia sẻ tại hội nghị

Để kéo giảm TNGT 6 tháng cuối năm, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị: Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh. Trong đó quyết liệt thực hiện Kế hoạch số 300/KH-C08-P6, ngày 29-02-2024 của Cục Cảnh sát giao thông về tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây TNGT trên các tuyến giao thông, tập trung kiên quyết xử lý mạnh 5 nhóm chuyên đề. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra; phối hợp với các đơn vị, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân theo các đối tượng, lứa tuổi; trang bị thêm hệ thống camera giám sát trong nội ô thành phố.

Liên quan đến giải pháp nhằm kéo giảm TNGT 6 tháng cuối năm, Thượng tá Nguyễn Hoài Thanh, Phó Trưởng Công an huyện Lộc Ninh cho rằng: "Cần xem xét về công tác cán bộ với quan điểm “phân công rõ người, rõ việc, rõ kết quả cụ thể”. Trong công tác tuyên truyền, cần chỉ đạo, tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền địa phương để tất cả các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia vào công tác tuyên truyền. Đổi mới cả về hình thức và nội dung tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng. Tập trung quyết liệt chỉ đạo về công tác nghiệp vụ cơ bản nhằm đạt hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng cảnh sát giao thông trong 6 tháng cuối năm.

Kinh nghiệm và đề xuất

Thực hiện chiến dịch trong phạm vi toàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, đồng loạt triển khai thực hiện. Qua đó, tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, cho ký cam kết 2.015 trường hợp; người dân tự tháo dỡ 215 trường hợp; tổ chức cưỡng chế tháo dỡ 328 trường hợp; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 47 trường hợp với tổng số tiền 20.600.000 đồng. Tổ chức cắt tỉa cành, nhánh cây xanh lấn ra hành lang, via hè hoặc trồng không đúng nơi quy định làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tốt chiến dịch “60 ngày” lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phước Long Nguyễn Việt Hoàng cho biết, quan điểm của địa phương là “thường xuyên, liên tục, xuyên suốt và quyết tâm cao”, hướng đến sự văn minh đô thị. Ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Phước Long còn chú trọng đến công tác tuyên truyền và vận động. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trọng tâm là tuyên truyền các quy định về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ để nhân dân biết và hiểu rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Yêu cầu ký cam kết với từng hộ dân. Hộ dân cũng ký cam kết tự nguyện tháo dỡ những vi phạm, không lấn trở lại.

Thực hiện chiến dịch lần này, thị xã Phước Long đã tổ chức 14 đợt giải tỏa hành lang đường bộ trên các tuyến đường ĐT759, ĐT741 và các chợ trên địa bàn. Qua đó nhắc nhở 235 trường hợp và yêu cầu viết cam kết không vi phạm; phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông tổ chức 10 đợt kiểm tra, thu giữ 37 bảng hiệu, dù che, bàn ghế các loại; phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 5 trường hợp.

Tại thị xã Chơn Thành đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh được 8 giờ; tổ chức được 331 buổi với 2.202 lượt người tham gia tuần tra xử lý vi phạm về hành lang ATGT đường bộ, qua đó đã nhắc nhở 937 trường hợp, yêu cầu 208 trường hợp phải tháo dỡ các công trình lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ (mái tôn che, hàng rào, cổng nhà, bảng hiệu quảng cáo...), lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 9 trường hợp, tạm giữ 456 hiện vật các loại và 50 kg rau củ các loại để lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ.

Để duy trì kết quả đạt được, Thượng tá Văn Công Tâm, Trưởng Công an thị xã Chơn Thành kiến nghị, thực hiện giải tỏa đất công trình đã được bồi thường, cưỡng chế giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trong hành lang ATGT đường bộ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật ATGT đường bộ đến các tầng lớp nhân dân. Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp về quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm hành lang ATGT đường bộ giữa cơ quan quản lý cấp trên, lực lượng chức năng, đơn vị quản lý đường bộ với UBND các xã, phường. Tạo thói quen buôn bán đúng nơi quy định cho người dân. Nâng cao vai trò trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã, phường và các ngành liên quan trong công tác bảo vệ hành lang ATGT đường bộ.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền

Tại hội nghị, các sở, ngành, đơn vị cũng chia sẻ về những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lê Thị Hồng Phấn cho biết, thông qua các hình thức triển khai sinh động, phong phú, các cấp bộ Đoàn đã tuyên truyền với hơn 600 tin, bài, infographics được thiết kế, đăng tải tuyên truyền thu hút hơn 20.500 lượt xem và tương tác; đăng tải hơn 100 tin, bài, phóng sự liên quan đến “Thanh niên với văn hóa giao thông”; fanpage Tuổi trẻ Bình Phước đã duy trì thường xuyên chuyên mục “1 phút với pháp luật” qua đó tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật về giao thông với các nội dung ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ, dễ hiểu.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lê Thị Hồng Phấn chia sẻ về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đảm bảo ATGT trong các cấp bộ đoàn

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lê Thị Hồng Phấn chia sẻ về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đảm bảo ATGT trong các cấp bộ đoàn

Các cấp bộ đoàn cũng tổ chức gần 200 đợt tuyên truyền về an toàn giao thông thu hút hơn 50.000 lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia. Làm mới 1 cầu giao thông nông thôn trị giá 200 triệu đồng; làm mới 1 đường giao thông nông thôn trị giá 70 triệu đồng. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh tiếp tục duy trì các đội hình thanh niên tình nguyện; tổ chức các đội hình, duy trì và phát triển các mô hình tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, duy trì 261 cổng trường an toàn giao thông. 100% cơ sở đoàn đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông và xây dựng văn hóa giao thông vào các đợt sinh hoạt định kỳ; 100% đoàn xã, phường, thị trấn có mô hình, đội hình thanh niên, công trình, phần việc tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; 100% Liên đội có các hoạt động tuyên truyền về văn hóa giao thông trong các tiết chào cờ đầu tuần, trong các hoạt động sinh hoạt đội.

Đối với Hội Nông dân, công tác tuyên truyền chú trọng vào các nội dung cơ bản nhất của Luật Giao thông đường bộ; thực hiện nghiêm quy định “đã uống rượu bia, không điều khiển phương tiện giao thông"; tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trong các dịp lễ, tết; tích cực tham gia các phần, việc ở cơ sở như: duy trì tuyến đường phát quang bụi rậm cản trở giao thông; không phơi nông sản, thả rông gia súc trên các tuyến đường nông thôn... Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Giang cho hay, có một điểm mới trong công tác tuyên truyền về ATGT của tổ chức hội, đó là đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh xe gắn máy trên địa bàn cùng tham gia. Cụ thể, ở cấp tỉnh, cấp huyện khi tổ chức các hoạt động tuyền truyền, tập huấn, hội thi đều có sự tham gia của các đơn vị kinh doanh xe gắn máy trên địa bàn, đã hỗ trợ về tư vấn viên, tổ chức thực hành kỹ năng lái xe an toàn, hỗ trợ tài liệu, tờ rơi... Từ đó, góp phần thành công hơn cho các hoạt động do Hội Nông dân tổ chức.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Giang chia sẻ về công tác tuyên truyền trong các cấp Hội Nông dân

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Giang chia sẻ về công tác tuyên truyền trong các cấp Hội Nông dân

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Hồng Thắng cho biết, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho học sinh nghiêm túc thực hiện các quy định: “Không sử dụng điện thoại khi lái xe", "Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”; không tụ tập đua xe; phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, trên những cung đường có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Hồng Thắng trao đổi về công tác tuyên truyền trong các cơ sở giáo dục

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Hồng Thắng trao đổi về công tác tuyên truyền trong các cơ sở giáo dục

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai, thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT như: thành lập các đội đoàn viên, thiếu niên xung kích tham gia giữ gìn trật tự ATGT tại các công trường và các nút giao thông; tổ chức các trò chơi và sân khấu hóa cho học sinh tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ; tổ chức giảng dạy lồng ghép vào các hoạt đồng giáo dục học sinh; đưa tiêu chỉ chấp hành Luật Giao thông đường bộ vào việc đánh giá, xếp loại rèn luyện học sinh.

Theo số liệu báo cáo tại hội nghị, từ ngày 15-12-2023 đến ngày 14-6-2024, TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra 15 vụ, làm chết 6 người, bị thương 13 người, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 4 vụ, giảm 4 người chết, tăng 6 người bị thương.

Từ ngày 15-12-2023 đến ngày 14-6-2024, toàn tỉnh xảy ra 184 vụ tai nạn giao thông, làm chết 113 người, bị thương 115 người, hư hỏng 100 ôtô, 209 môtô, thiệt hại tài sản ước tính 3,5 tỷ đồng

Từ ngày 15-12-2023 đến ngày 14-6-2024, toàn tỉnh xảy ra 184 vụ tai nạn giao thông, làm chết 113 người, bị thương 115 người, hư hỏng 100 ôtô, 209 môtô, thiệt hại tài sản ước tính 3,5 tỷ đồng

Ngọc Huyền - Đặng Hùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/160264/nhieu-kinh-nghiem-giai-phap-ve-bao-dam-trat-tu-atgt