Nhiều lãnh đạo châu Âu bày tỏ tiếc thương Giáo hoàng Francis

Ngày 21/4, sau khi biết tin Giáo hoàng Francis qua đời, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc tới Người. Đồng thời, Tòa thánh Vatican tuyên bố sẽ hoãn lễ phong thánh thế hệ thiên niên kỷ dành cho Carlo Acutis, người được mệnh danh là 'vị thánh thời đại kỹ thuật số'.

Trên nền tảng truyền thông xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen đã gửi lời chia buồn trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis. Bà Leyen nhấn mạnh những di sản của Đức Giáo hoàng sẽ tiếp tục hướng dẫn tất cả mọi người đến "một thế giới công bằng, hòa bình và nhân ái hơn".

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi Giáo hoàng Francis là người khiêm nhường, luôn đứng về phía những người bị tổn thương và mong manh nhất.

Tòa Vatican tuyên bố các tín đồ sẽ có thể đến viếng Giáo Hoàng Francis tại Vương cung thánh đường Thánh Peter kể từ thứ 4 (23/4) - Ảnh: 20 Minutes

Tòa Vatican tuyên bố các tín đồ sẽ có thể đến viếng Giáo Hoàng Francis tại Vương cung thánh đường Thánh Peter kể từ thứ 4 (23/4) - Ảnh: 20 Minutes

Về phần mình, Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz khẳng định Giáo hoàng Francis sẽ được nhớ đến vì sự tận tụy không mệt mỏi đối với những nhóm người yếu thế nhất của xã hội.

Tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Keir Starmer ví Đức Giáo hoàng như một "nhà lãnh đạo dũng cảm", người "không bao giờ mất hy vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn". Ông Starmer cho biết các cơ quan Chính phủ Anh sẽ treo cờ rủ trong 1 ngày để tưởng niệm Giáo hoàng. Vua Charles III bày tỏ ông "vô cùng đau buồn" trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis.

Thủ tướng Italia, Giorgia Meloni cũng bày tỏ sự thương tiếc Giáo hoàng Francis, đồng thời nhấn mạnh sự ra đi của Ngài để lại nỗi buồn lớn lao.

Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof bày tỏ tưởng nhớ Giáo hoàng với lòng kính trọng sâu sắc, đồng thời khẳng định Giáo hoàng là hình mẫu cho nhiều người, cả người Công giáo và người không theo Công giáo.

Tại Tây Ban Nha, Chính phủ cho biết cho biết nước này sẽ tổ chức quốc tang trong 3 ngày. Bộ trưởng Tư Pháp Felix Bolanos bày tỏ sự trân trọng đối với 12 năm cải cách của Giáo hoàng, cho rằng những nỗ lực đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử của Giáo hội.

Trên mạng xã hội X, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn sự ủng hộ của Đức Giáo hoàng trong các lời cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine.

Trong một động thái liên quan, Tòa thánh Vatican cho biết sẽ tạm hoãn lễ phong thánh thế hệ thiên niên kỷ dự kiến diễn ra vào ngày 27/4 tại Quảng trường Thánh Peter dành cho Carlo Acutis, cậu bé người Italia qua đời vì bệnh bạch cầu năm 2006 ở tuổi 15, nổi tiếng vì lòng sùng đạo và việc sử dụng công nghệ để truyền bá đức tin. Quảng trường Thánh Peter sẽ được sử dụng để chuẩn bị cho tang lễ của Giáo hoàng Francis và quá trình bầu chọn tân Giáo hoàng.

Theo thông tin mới nhất, Tòa Vatican tuyên bố các tín đồ sẽ có thể đến viếng Giáo Hoàng Francis tại Vương cung thánh đường Thánh Peter kể từ thứ 4 (23/4), đồng thời nhấn mạnh thông tin cụ thể sẽ được thông báo sau phiên họp sáng thứ 3 (22/4).

Liên quan đến quá trình bầu chọn tân Giáo hoàng, phía Vatican vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin nào. Tuy nhiên, theo truyền thống, một Hội nghị Hồng y, được biết với cái tên "mật nghị Giáo hoàng", quy tụ hơn 240 Hồng y trên toàn thế giới sẽ nhóm họp tại Vatican sau 2 hoặc 3 tuần kể từ khi Giáo hoàng đương nhiệm qua đời. Điều này cho phép Vatican có thời gian để tiến hành tang lễ kéo dài 9 ngày và các Hồng y có thời gian di chuyển đến Rome.

Để ngăn chặn ảnh hưởng bên ngoài, "mật nghị Giáo hoàng" sẽ được tổ chức kín trong Nhà nguyện Sistine. Các Hồng y dưới 80 tuổi sẽ tiến hành bỏ phiếu kín cho ứng viên tiềm năng. Hiện có khoảng 138 Hồng y đủ điều kiện trở thành tân Giáo hoàng. Quy trình này sẽ được giám sát bởi 9 Hồng y lựa chọn theo cách ngẫu nhiên.

Các Hồng y sẽ tiến hành bỏ phiếu lần lượt theo các vòng cho đến khi lựa chọn được một tân Giáo hoàng với tối thiểu là 2/3 tổng số phiếu ủng hộ. Sau mỗi vòng, trong trường hợp chưa lựa chọn được tân Giáo hoàng, các Hồng y sẽ đốt các lá phiếu bằng hóa chất để tạo ra làn khói đen. Trong trường hợp ngược lại, khi có một Hồng y đạt đủ điều kiện, ban giám sát sẽ đốt hóa chất tạo ra khói trắng để báo hiệu tân Giáo hoàng mới. Và chính tân Giáo hoàng sẽ công bố tên mình từ Vương cung thánh đường Thánh Peter.

Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhieu-lanh-dao-chau-au-bay-to-tiec-thuong-giao-hoang-francis-post1193810.vov