Nhiều lỗ hổng trong sản xuất sữa giả, thực phẩm chức năng giả

Ngày 2.5, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Cơ quan điều tra thu giữ hàng ngàn hộp sữa giả

Cơ quan điều tra thu giữ hàng ngàn hộp sữa giả

Trước đó, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA cầm đầu.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, từ năm 2016, Mạnh và các đối tượng lập và điều hành nhiều công ty để hợp thức hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả.

Các đối tượng sử dụng thủ đoạn in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu nhưng trên thực tế chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường.

Về chỉ tiêu chất lượng, nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố. Còn ở vụ án sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả do Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Herbitech cầm đầu, cơ quan chức năng đã xác định trong quá trình sản xuất, Công ty Herbitech sử dụng các phiếu kết quả kiểm nghiệm giả mang tên Công ty TSL để sản xuất, gia công và công bố sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.

Đối với đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa giả, đối tượng Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường đã góp vốn thành lập 2 công ty Rance Pharma và Hacofood Group, và lập thêm 9 công ty để sản xuất, phân phối sữa bột giả.

Cơ quan điều tra xác định, các sản phẩm sữa giả được công bố thành phần là chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song trên thực tế không hề có những chất này.

Để đánh lừa người dùng, nhóm này đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm các chất phụ gia khác. Công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố - đủ căn cứ xác định là hàng giả.

Mặc dù Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) được giao quản lý về an toàn thực phẩm tuy nhiên trong một thời gian dài, các loại sản phẩm sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (hay còn gọi là thực phẩm chức năng) được mua bán công khai trên thị trường với số lượng lớn, thu siêu lợi nhuận bất chính.

Các hình thức mua bán chủ yếu qua mạng xã hội, một số hệ thống bán lẻ, các website thương mại điện tử, quảng cáo thổi phồng công dụng sử dụng… gây bức xúc trong dư luận.

Chia sẻ về các đường dây sản xuất hàng giả đã bị Bộ Công an khởi tố, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, cho biết, cả hai công ty MediUSA và Herbitech đều được Cục ATTP cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Về công tác hậu kiểm, ông Long cho hay, việc hậu kiểm được thực hiện theo kế hoạch hằng năm, trừ những trường hợp đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Hậu kiểm có thể thông qua kiểm tra tính tuân thủ của hồ sơ công bố, giám sát mẫu trên thị trường, kiểm tra, thanh tra cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

Năm 2019, Cục đã lấy mẫu sản phẩm của Công ty MediUSA trên thị trường và phát hiện có mẫu không đạt chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm, đã chuyển nội dung sang cơ quan Công an. Với Công ty Herbitech, Cục đã tiến hành kiểm tra hai lần về kỹ thuật, điều kiện, môi trường sản xuất nhưng không phát hiện sai phạm.

Về việc Công ty Herbitech sử dụng giấy kiểm định giả trong thời gian dài mà không bị phát hiện, ông Long lý giải, hiện nay, ngoài cơ quan kiểm nghiệm do các Bộ chỉ định để thực hiện kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước (thanh tra, kiểm tra, giám sát), còn có rất nhiều phòng kiểm thử nghiệm ngoài công lập cung cấp dịch vụ thử nghiệm theo yêu cầu cầu của các tổ chức, cá nhân.

“Ở vụ việc Công ty Herbitech, các lô sản phẩm đều có phiếu kiểm nghiệm do phòng kiểm nghiệm đủ điều kiện theo quy định, đóng dấu đàng hoàng, không tẩy xóa thì rất khó phát hiện là giấy giả”, ông Long nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Long, trước kia cứ 3 năm phải cấp lại giấy chứng nhận công bố, nhưng từ năm 2018 - Nghị định 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực, chỉ cần công bố một lần là vĩnh viễn, có doanh nghiệp công bố 50 sản phẩm, nhưng chỉ sản xuất 5 sản phẩm, sản xuất sản phẩm này không bán được thì ngừng lại… Đầu hồ sơ công bố rất nhiều, nhưng số lượng sản xuất thực tế thấp hơn.

Theo quy định, Cục An toàn thực phẩm chỉ tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp phải có tài liệu chứng minh công dụng với sức khỏe, phải có tài liệu và bằng chứng khoa học bằng tiếng Việt, tiếng Anh…

Cục quản lý xem tài liệu đó có đạt yêu cầu hay không. Để xét hồ sơ cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn về sản xuất thực hành tốt trong sản xuất thực phẩm (GMP) theo quy định tại Nghị định 15, gồm: Bản công bố về sản phẩm các chỉ tiêu về an toàn vi sinh, kim loại nặng, nấm mốc tùy theo từng sản phẩm, xét nghiệm.

“Chỉ tiêu chất lượng không phải công bố mà doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng. Song có khâu hậu kiểm, nếu hậu kiểm không đạt mới xử lý”, ông Long nêu thực trạng.

VIỆT THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/nhieu-lo-hong-trong-san-xuat-sua-gia-thuc-pham-chuc-nang-gia-130888.html