Nhiều lợi ích khi dùng chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ trên đồng ruộng
Không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ sau thu hoạch còn giúp nông dân Hà Tĩnh giảm chi phí phân bón và tăng năng suất.
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, trên nhiều cánh đồng ở Hà Tĩnh là hình ảnh khói bụi mù mịt từ việc đốt rơm, rạ của bà con nông dân. Không những gây ô nhiễm môi trường mà các chất hữu cơ có trong rơm rạ trong quá trình đốt sẽ biến thành các chất vô cơ làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng; gây mất cân bằng hệ sinh thái...
Vụ hè thu 2023, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng IV và Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm Emuniv - xử lý rơm, gốc rạ trực tiếp trên đồng ruộng.
Chế phẩm là sản phẩm của các đề tài nghiên cứu quốc gia do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ nghiên cứu, chuyển giao. Mô hình được triển khai với tổng diện tích 5 ha tại các xã: Hồng Lộc (Lộc Hà), Việt Tiến (Thạch Hà), Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh), Cẩm Quang, Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) - mỗi đơn vị 1 ha.
Ông Nguyễn Bá Đạt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Tiến (Thạch Hà) chia sẻ: “Trong vụ hè thu, áp lực thời vụ căng thẳng, đồng ruộng không có thời gian cho gốc rạ hoai mục nên khó sản xuất hơn. Khi biết về mô hình, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Xã đã lựa chọn và triển khai mô hình trên địa bàn thôn Hương Giang với diện tích 1,3 ha (11 hộ). Việc sử dụng chế phẩm khá dễ, chỉ trộn chế phẩm với đất hoặc phân rải lên mặt ruộng. Sau khoảng 10 ngày, gốc rạ đã bị phân hủy, tạo thành phân hữu cơ. Mặc dù trong vụ đầu tiên còn thiếu kinh nghiệm nên bà con chưa tuân thủ hoàn toàn quy trình kỹ thuật nhưng mô hình vẫn cho thấy hiệu quả rõ rệt, người dân rất phấn khởi và mong muốn tiếp tục sử dụng trong những mùa vụ tiếp theo".
Ông Biện Văn Quảng - Trưởng phòng Dịch vụ - Hỗ trợ nông dân (Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh) cho hay: "Sau 15 ngày xử lý bằng chế phẩm, kiểm tra trên ruộng mô hình chúng tôi thấy cây lúa đẻ nhánh sớm, bộ rễ dài, có ít rễ đen, đẻ nhánh tập trung hơn so với ruộng đối chứng, gốc rạ phân hủy nhanh; cùng thời điểm kiểm tra, ruộng đối chứng gốc rạ vẫn chưa phân hủy hết, đất có mùi hôi, chua. Ngoài ra, chế phẩm cũng khắc phục được tình trạng đất và nước ở trong ruộng bị nhiễm chua phèn; hạn chế được gần như tối đa hiện tượng cây lúa bị nghẹt rễ sinh lý, đỏ đuôi lươn, giảm rõ rệt các đối tượng bệnh như đốm nâu, đốm đen, khô vằn...".
Giai đoạn từ 35 ngày trở đi, bà con sẽ nhìn thấy rõ sự khác biệt từ mô hình sử dụng chế phẩm, lúa có bộ lá xanh màu lá gừng, cứng cây, cây khỏe; ở lô đối chứng lúa có màu xanh đậm, cây yếu hơn, xuất hiện nhiều sâu cuốn lá.
Đến cuối mùa vụ, qua theo dõi cho thấy, số bông/diện tích ở ruộng mô hình và ruộng đối chứng cơ bản bằng nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ hạt lép trên ruộng mô hình thấp hơn so với ruộng đối chứng 4,2%, do đó, năng suất trung bình trên ruộng mô hình đạt 300 kg/sào, cao hơn 40 kg/sào (>15%) so với ruộng đối chứng.
Đáng nói, trên mô hình sử dụng chế phẩm Emuniv, người nông dân giảm 30% lượng phân bón hóa học nhưng cây vẫn sinh trưởng và phát triển khỏe, ít sâu bệnh hại.
Qua một số mô hình thử nghiệm tại Hà Tĩnh cho thấy việc sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ trên đồng ruộng là một trong những biện pháp làm tăng hiệu quả kinh tế, cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh, thân thiện với môi trường và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân.
Trong những năm tới, đặc biệt là vào vụ hè thu, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân tập trung phối hợp với các cấp hội tuyên truyền, vận động hội viên nông dân áp dụng biện pháp sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ trên diện rộng. Đồng thời, phối hợp ngành chuyên môn xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ nông dân nhằm từng bước tạo ra những cánh đồng không khói, hoàn trả lại nguồn hữu cơ, tăng độ phì cho đất, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.