Nhiều lợi ích thiết thực từ tiến trình chuyển đổi số của ngành Tòa án
Triển khai xây dựng Tòa án điện tử, thời gian qua Tòa án nhân dân tối cao đã được sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án, qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ người dân tốt hơn.
Có thể kể đến như: "Trợ lý ảo - công cụ đắc lực cho thẩm phán", "Quản lý hoạt động tố tụng trên nền tảng số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án", "xét xử trực tuyến, bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án"...
Chuyển đổi số của ngành Tòa án
Xây dựng Tòa án điện tử, mục tiêu hướng đến là mọi hoạt động tố tụng từ khi tiếp nhận đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ, phân công giải quyết đến khi xét xử, thi hành án,... đều được tự động cập nhật trên hệ thống. Không chỉ lưu trữ, theo dõi, hệ thống còn đưa ra những thông báo, giúp việc, hỗ trợ thẩm phán và người quản lý tránh nguy cơ vi phạm, sai sót.
Tòa án Điện tử không chỉ mang lại lợi ích cho những “người trong cuộc”, mà mục tiêu quan trọng của Tòa án điện tử là hướng tới phục vụ người dân một cách thuận lợi và tiết kiệm. Phương châm lấy người dân làm trung tâm, người dân được hưởng lợi từ tiến trình chuyển đổi số của ngành Tòa án.
Cụ thể, người dân có thể gửi, nhận đơn tư pháp, tài liệu, chứng cứ và thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản của Tòa án thông qua phương tiện điện tử. Sau khi hoàn thành việc nộp hồ sơ, hệ thống sẽ gửi thông báo kèm theo mã số tiếp nhận để người dân, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi quá trình thụ lý, giải quyết của Tòa án. Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản của Tòa án có thể thực hiện thông qua hệ thống này hoặc thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại, máy tính…
Bên cạnh đó, người dân có thể đăng ký trực tuyến cấp sao bản án và tài liệu trong hồ sơ vụ án. Người tham gia tố tụng có thể nộp án phí, lệ phí, tiền phạt trực tuyến mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến Kho bạc nhà nước, ngân hàng.
Theo đánh giá của Tòa án nhân dân tối cao, việc triển khai Tòa án Điện tử góp phần tiết kiệm 10 đến 15% chi phí hoạt động của Tòa án và chi phí xã hội do hiệu quả hoạt động được nâng cao. Năng suất vận hành được nâng lên trong khi tiết kiệm thời gian và chi phí cho hoạt động tố tụng của người dân và các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thời gian qua, Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện việc chuyển đổi số hướng đến xây dựng Tòa án điện tử. Đặc biệt, hệ thống phần mềm quản lý Tòa án của đơn vị đã được Ban chuyển đổi số của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thẩm định, đánh giá rất cao và sẽ được triển khai sử dụng tại tất cả các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/1/2025.
Theo ông Nguyễn Quang Huynh, Chánh án Tòa án nhân dân Quận 1, bên cạnh việc sử dụng các phần mềm của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân Quận 1 đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống quản lý nội bộ theo định hướng nâng cao năng lực quản trị hoạt động của đơn vị trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ công chức đơn vị nâng cao hiệu quả và chất lượng thực thi công vụ, công khai, minh bạch quá trình tố tụng, tạo nền tảng để tiến tới thực hiện các hoạt động tố tụng trực tuyến và cung cấp dịch vụ tư pháp công để phục vụ người dân.
Đến nay, hệ thống quản lý thông tin nội bộ đang vận hành ổn định, hiệu quả. Theo đó, mọi hoạt động tố tụng tại Tòa án nhân dân Quận 1 từ khâu tiếp nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thụ lý hồ sơ vụ việc, phân công Thẩm phán giải quyết, phát hành văn bản tố tụng, xét xử, thi hành án, ủy thác tư pháp, tiến hành giải quyết khiếu nại, tố cáo đều được cập nhật trên hệ thống.
Việc theo dõi, giám sát tiến độ, kết quả giải quyết án, việc quản lý văn bản đến, văn bản đi đều thực hiện trên nền tảng số. Lãnh đạo và công chức của Tòa án nhân dân Quận 1 có thể xử lý, giải quyết công việc mọi lúc, mọi nơi với hiệu suất ngày càng nâng cao mà không nhất thiết phải có mặt tại cơ quan.
“Có thể nói, hệ thống quản lý thông tin nội bộ không chỉ thay đổi cách thức làm việc từ truyền thống thủ công sang không gian số mà còn là cơ sở để Tòa án nhân dân Quận 1 tái cấu trúc toàn bộ quy trình hoạt động của đơn vị theo hệ thống khép kín, thống nhất và xuyên suốt quá trình tố tụng”, Chánh án Nguyễn Quang Huynh nhấn mạnh.
Ứng dụng trợ lý ảo
Một trong những điểm sáng của Tòa án điện tử là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với sự xuất hiện của trợ lý ảo như một thư ký riêng, hoạt động 24/7 để hỗ trợ các thẩm phán. Trợ lý ảo là sản phẩm do Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel CyberSpace) phát triển, dùng trong ngành Tòa án để hỗ trợ các Thẩm phán.
Dữ liệu phát triển trợ lý ảo với hơn 160.000 văn bản pháp luật và hơn 1 triệu bản án, trong đó có hơn 1.200 quyết định giám đốc thẩm và hơn 80.000 bản án phúc thẩm do Tòa án nhân dân tối cao cung cấp. Trợ lý ảo có thể giới thiệu luật, pháp lệnh, thông tư, nghị định chính xác đến từng điều, khoản của văn bản pháp quy và thời điểm có hiệu lực, điều này phù hợp với nhu cầu đặc thù của các Thẩm phán.
Trải qua hơn hai năm sử dụng, phần mềm trợ lý ảo đã phát huy tác dụng một cách tích cực. Các Thẩm phán có thể tiết kiệm nhiều thời gian làm việc, có thể tương tác và tham khảo ý kiến chuyên môn từ các đồng nghiệp trên cả nước. Trợ lý ảo cũng có vai trò như là một người thư ký làm việc thường xuyên, gắn bó với các Thẩm phán 24/7, đưa ra các chỉ dẫn áp dụng pháp luật, các tình huống pháp lý phát sinh, giúp tra cứu nhanh hơn các vấn đề pháp lý phát sinh khi giải quyết các vụ án và thậm chí thời gian gần đây đã thay thế nhu cầu tra cứu tài liệu giấy, giúp tiết kiệm nhiều thời gian hơn nữa.
Trợ lý ảo còn có thể mã hóa bản án để công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao giúp các Thẩm phán tiết kiệm thời gian, công sức so với trước đây phải mã hóa thủ công.
Trợ lý ảo cũng có thể giúp các Thẩm phán theo dõi và quản lý công việc, hỗ trợ lập kế hoạch giải quyết án, tạo lập và quản lý hồ sơ án điện tử, số hóa, sắp xếp hồ sơ theo từng loại tài liệu vụ án để thuận tiện nghiên cứu; hỗ trợ quản lý công việc, đưa ra các cảnh báo, thông báo, nhắc việc, phân tích dữ liệu, xác minh thông tin và phát hiện các sai sót trong các bản án, quyết định cần ban hành, phát hiện các yêu cầu tố tụng bị bỏ sót, các lỗi trích dẫn điều luật, sửa lỗi kỹ thuật của bản án…
Xét xử trực tuyến
Trong thời gian qua, việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội.
Về triển khai xét xử trực tuyến, theo thống kê, tính từ 1/1/2022 đến nay, các Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án.
Trong nhiều trường hợp, việc xét xử trực tuyến đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết vụ án; tiết kiệm chi phí dẫn giải, thuận lợi cho việc bảo vệ phiên tòa; khắc phục tình trạng người bị kiện không tham gia phiên tòa, từ đó góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần trong giải quyết các vụ án hành chính; tiết kiệm chi phí cho người dân do bớt phải đi lại, giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông; giảm thiểu hao mòn tài sản và nhiều tác động xã hội khác. Ngoài ra, hình thức xét xử này cũng giúp tiết kiệm các khoản chi của ngân sách nhà nước.
Trong Chỉ thị công tác năm 2025, nhấn mạnh việc thực hiện chuyển đổi số trong Tòa án nhân dân không chỉ là khâu trọng tâm đột phá năm 2025 mà cả những năm tiếp theo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí yêu cầu tập trung triển khai các dự án công nghệ thông tin và triển khai, ứng dụng có hiệu quả các phần mềm để nâng cao hiệu quả công tác.
Thời gian tới, ngành Tòa án nhân dân tiếp tục không ngừng nỗ lực, đổi mới sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ mang tính đột phá này, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng Tòa án điện tử.