Nhiều lợi thế cho hàng Việt khi Anh gia nhập CPTPP
Vương quốc Anh là một trong 5 thị trường chi nhiều nhất cho nhập khẩu hàng hóa. Hiện, hàng Việt mới chỉ chiếm chưa đến 1% số lượng nhập khẩu của quốc gia này dù 2 bên đã có hiệp định thương mại song phương từ năm 2021. Việc Anh gia nhập CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự gia tăng hàng Việt ở đất nước này.
Hàng Việt mới chỉ chiếm 1% thị phần ở Anh
Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam và Anh năm 2023 đạt 7,14 tỷ USD, tăng 4,39% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu (XK) đạt 6,35 tỷ USD, tăng 4,64% so với năm 2022. Số liệu mới cập nhật cho thấy, XK sang Anh trong năm 2024 đang có sự gia tăng. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XK hàng hóa sang Anh đạt 2,47 tỷ USD, tăng 30,04% so với cùng kỳ năm trước.
Vương quốc Anh luôn nằm trong Top 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới với mức chi hàng năm lên đến 900 tỷ bảng Anh. Trong khi đó, hiện hàng hóa có xuất xứ Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% số lượng nhập khẩu của quốc gia này. Con số này đạt được sau 3 năm thực thi UKVFTA (Hiệp định Tự do thương mại giữa Việt Nam và Anh).
Chia sẻ về việc hàng Việt chưa xuất hiện đáng kể ở thị trường Anh, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, quy tắc xuất xứ luôn là điều khiến cho hàng hóa Việt Nam gặp khó khăn khi XK vào các nước đã ký các hiệp định thế hệ mới với Việt Nam. Theo đó, quy tắc xuất xứ này luôn yêu cầu hàng hóa có xuất xứ thuần túy của Việt Nam mới được hưởng thuế suất ưu đãi (trừ CPTPP được cộng gộp xuất xứ từ các quốc gia thành viên để hưởng ưu đãi).
Tuy nhiên, cam kết trong UKVFTA cũng có quy định thêm về cơ chế quy tắc cộng gộp xuất xứ nếu hàng hóa sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước thành viên châu Âu (do UKVFTA hầu như kế thừa toàn bộ các quy định đã cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu). Theo đó, nếu hàng hóa Việt sử dụng các nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu từ châu Âu mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Nhưng thực tế, chưa có doanh nghiệp nào nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện từ châu Âu.
Lợi thế mạnh mẽ từ CPTPP
Ông Lương Hoàng Thái khẳng định, hàng hóa xuất xứ Việt Nam có rất nhiều lợi thế khi Anh chính thức gia nhập CPTPP. Lợi thế đầu tiên là có đến 94,4 biểu thuế tự do hóa hoàn toàn. Nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh XK của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết của Vương quốc Anh tốt hơn so với cam kết trong UKVFTA.
Tiếp theo, lợi thế được cộng gộp thêm nguồn gốc xuất xứ về nguyên vật liệu, linh kiện từ các nước CPTPP để xuất sang Anh cũng được coi là một thế mạnh. Ví dụ, để tận hưởng mức thuế ưu đãi trong UKVFTA đã cam kết, các sản phẩm của Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Quy định về quy tắc xuất xứ của của UKVFTA đều yêu cầu tiêu chí xuất xứ thuần túy. Có nghĩa là để đủ điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi, hàng Việt Nam phải sản xuất và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam, không được phép nhập khẩu từ nước thứ 3.
Tuy nhiên, với việc Anh gia nhập CPTPP, xuất xứ của hàng hóa được phép sử dụng các nguyên liệu từ các nước thứ 3 trong cùng khu vực CPTPP. Trong khối CPTPP có nhiều quốc gia mà Việt Nam nhập siêu như Trung Quốc, Hàn Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu các nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu từ các quốc gia này sẽ đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ để hưởng ưu đãi.
Tuy có thêm lợi thế để hàng Việt gia tăng vào Anh nhưng doanh nghiệp Việt cũng cần phải chuẩn bị kỹ càng hơn để bước vào cuộc cạnh tranh với nhiều quốc gia cũng nằm trong CPTPP có nhiều loại hàng hóa tương đồng khi XK sang Anh như Trung Quốc, Úc, New Zealand…
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, một điểm đáng chú ý nữa là cùng với việc gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh đã có văn bản chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Điều này rất thuận lợi cho Việt Nam trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Với sự công nhận này, hàng hóa XK của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn so với hiện nay.