Nhiều luật mới đã được thông qua

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, 49 nội dung quan trọng, trong đó có Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội.

Sau 27,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, dân chủ, trí tuệ, nghiêm túc và trách nhiệm cao, sáng 29/6, Quốc hội bế mạc kỳ họp thứ 7. Quốc hội đã xem xét, thông qua các dự án luật: Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Thông qua 21 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026; 2 Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh...

Quốc hội họp phiên bế mạc sáng 29/6

Quốc hội họp phiên bế mạc sáng 29/6

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Những dự án luật vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điều, khoản, điểm, vấn đề mới. Cụ thể, Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định. Trong trường hợp cần thiết phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, tòa án tiến hành ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa, phiên họp. Về đổi mới tòa án nhân dân, luật giữ nguyên quy định của luật hiện hành về tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực ngày 1/1/2025) quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Khoản 2, Điều 9 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó, cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Bộ Y tế có trách nhiệm quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có cồn khác.

Với 93,4% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Luật BHXH sửa đổi được thông qua. Theo đó, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi luật có hiệu lực trở đi (1/7/2025) sẽ không được nhận BHXH 1 lần; đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu. Luật BHXH sửa đổi quy định theo hướng tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH 1 lần. Đóng BHXH để được hưởng hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác; chỉ có tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mới được tiếp cận và chịu trách nhiệm bảo mật, không được để lộ thông tin. Người có tài sản đấu giá có thể giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản, nhưng bằng giám sát phù hợp, bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch. Về tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, đối với tài sản thuộc sở hữu cá nhân, thì các bên có quyền lựa chọn, hoặc thỏa thuận áp dụng hay không áp dụng. Về đăng ký tham gia đấu giá, thu hẹp phạm vi đối tượng tham gia đấu giá (chỉ cấm vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột tham gia phiên đấu giá đối với cùng một tài sản) để bảo đảm phù hợp thực tiễn.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (hiệu lực từ ngày 1/1/2025), bổ sung thêm 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Luật Cảnh vệ hiện hành quy định đối tượng cảnh vệ, gồm: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhieu-luat-moi-da-duoc-thong-qua-a399256.html