Nhiều lý do khiến Metro số 1 không kịp vận hành thương mại trong tháng 7

Sáng 15/3, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (gọi tắt là Ban QLĐSĐT, chủ đầu tư) đã thông tin cập nhật tiến độ mới nhất của dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Nhiều công việc cần hoàn thành

Trước đó, trong văn bản do Ban QLĐSĐT gửi UBND TPHCM cho thấy dự án Metro số 1 TPHCM sẽ không kịp đưa vào khai thác thương mại vào tháng 7 sắp tới như kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân là do công trình chưa hoàn tất rà soát đánh giá an toàn hệ thống; chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, Hội đồng kiểm tra Nhà nước chưa nghiệm thu các hạng mục còn lại,…

Đại diện Ban QLĐSĐT cho biết, ngày 14/3, Ban và Nhà thầu Liên danh Sumitomo – Cienco 6 (Liên danh SCC) đã tổ chức ký kết thỏa thuận bàn giao tòa nhà Trung tâm điều hành (OCC) của tuyến Metro số 1.

“Tòa nhà Trung tâm điều hành có diện tích gần 3000m2, nằm trong khu vực Depot Long Bình (TP Thủ Đức) được xây dựng nhằm mục đích quản lý dịch vụ vận chuyển hành khách cho tuyến Metro số 1. Việc ký kết thỏa thuận bàn giao tòa nhà nhằm chuẩn bị cho công tác vận hành, khai thác tuyến Metro số 1 trong năm 2024”- đại diện Ban QLĐSĐT cho biết.

Đoàn tàu metro số 1 TPHCM chạy thử nghiệm toàn tuyến vào cuối tháng 8/2023. Ảnh: PHẠM NGUYỄN

Đoàn tàu metro số 1 TPHCM chạy thử nghiệm toàn tuyến vào cuối tháng 8/2023. Ảnh: PHẠM NGUYỄN

Cũng theo Ban QLĐSĐT TPHCM, sau tòa nhà Trung tâm điều hành, Ban sẽ phối hợp với các Nhà thầu của Dự án để tiến hành công tác kiểm tra nghiệm thu, nhận bàn giao từng phần, lộ trình là tiếp tục kiểm tra nghiệm thu và nhận bàn giao các tòa nhà kỹ thuật trong khu vực Depot như xưởng chính, nhà xưởng hạ tầng... trong tháng 4/2024, kiểm tra và nhận bàn giao ga ngầm Nhà Hát TP và Ba Son trong tháng 5/2024, kiểm tra nghiệm thu và nhận bàn giao các nhà ga trên cao dọc tuyến vào tháng 6/2024 (ga Công nghệ Cao, ga Đại học Quốc gia v.v...). Dự kiến, các nhà ga trên cao sẽ được bàn giao hoàn thành trong tháng 7/2024.

Trước khi nghiệm thu bàn giao, các hạng mục này sẽ phải được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) bởi Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an).

Song song với quá trình bàn giao từng phần của dự án để kịp tiến độ vận hành như trên, hiện nay Ban QLĐSĐT đang phối hợp với các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên ngành để tiến hành công tác kiểm tra nghiệm thu về PCCC và môi trường; Tiến hành đánh giá hồ sơ, xây dựng kịch bản để đánh giá an toàn hệ thống khi tiến hành các bài thử nghiệm chạy tàu an toàn trong các tình huống thông thường và các tình huống giả định với các sự cố như cháy, nổ, mất điện tại các vị trí trong hầm ngầm cũng như tại các nhà ga hay đoạn trên cao.

“Việc thử nghiệm và đánh giá an toàn hệ thống sẽ được thực hiện bởi đơn vị tư vấn độc lập (Liên danh Tư vấn BVT của Pháp) theo các tiêu chuẩn khắt khe của Châu Âu và Nhật Bản cùng quy định của Luật đường sắt Việt Nam. Do đó, việc đưa vào vận hành cuối cùng cũng sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá an toàn cho của các kịch bản giả định”- đại diện Ban QLĐSĐT TPHCM cho biết.

Tiến độ đào tạo nhân sự ra sao?

Về công tác đào tạo nhân sự, Ban QLĐSĐT TPHCM cho biết hiện nay các nhân sự vận hành, điều độ, bảo dưỡng đã được đào tạo xong phần lý thuyết cơ bản và chuyên sâu, đào tạo mô phỏng tại Nhật Bản và Việt Nam, đang chuẩn bị cho việc đào tạo thực tế trên các đoàn tàu và thiết bị của dự án.

“Tuy nhiên, việc đào tạo thực tế sử dụng thiết bị của dự án đang phụ thuộc nhiều vào tiến độ thực hiện của Tư vấn chung NJPT và Nhà thầu Hitachi. Hiện nay Tư vấn và Nhà thầu vẫn đang chưa thể thống nhất cách thức bàn giao các thiết bị và đoàn tàu sử dụng cho công tác đào tạo dẫn đến chậm trễ trong công tác này”- Ban QLĐSĐT TPHCM thông tin.

Hiện nay, Ban QLĐSĐT đã và đang liên tục họp với các bên để đưa ra các giải pháp cho việc bàn giao sớm một số đoàn tàu của dự án phục vụ việc đào tạo, dự kiến bắt đầu trong tháng 4/2024. Theo đó công tác đào tạo có thể kết thúc vào cuối tháng 6/2024. Sau khi đào tạo xong trong tháng 6/2024, công tác khai thác thử nghiệm là bước vận hành thử toàn bộ tuyến được thực hiện bởi các nhân sự của Công ty HURC1 (công ty vận hành tuyến metro số 1 TPHCM).

Nhân sự bảo dưỡng thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM (HURC1) tham gia đào tạo chuyển giao công nghệ tại gói thầu CP1B. Ảnh: HURC1

Nhân sự bảo dưỡng thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM (HURC1) tham gia đào tạo chuyển giao công nghệ tại gói thầu CP1B. Ảnh: HURC1

Đây cũng là bước thử cuối cùng được tiến hành đồng thời với quy trình đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho Dự án của Cục đường sắt Việt Nam và nghiệm thu của Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Các công việc này theo kế hoạch sẽ bắt đầu từ đầu tháng 7 và sẽ kéo dài trong khoảng 2 tháng.

“Tuy nhiên, tiến độ này vẫn phụ thuộc vào việc thống nhất cách hiểu và đồng thuận giải pháp trong việc sử dụng thiết bị, đoàn tàu của Dự án giữa Tư vấn chung NJPT và Nhà thầu Hitachi để tiến hành công tác đào tạo, phục vụ khai thác thử nghiệm và kết quả đánh giá an toàn hệ thống cuối cùng của Tư vấn độc lập”- Ban QLĐSĐT TPHCM cho biết thêm.

Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-ly-do-khien-metro-so-1-khong-kip-van-hanh-thuong-mai-trong-thang-7-post1620379.tpo