Nhiều mảnh vỡ nghi từ tên lửa Trung Quốc rơi xuống Malaysia, Indonesia
Nhiều mảnh vỡ nghi từ tên lửa Trung Quốc quay trở lại Trái đất hôm 30/7 đã được phát hiện tại Malaysia và Indonesia.
Ngày 3/8, Jakarta Post đưa tin mảnh vỡ từ tên lửa đẩy Trung Quốc rơi trở lại Trái đất hôm 30/7 đã được phát hiện tại nông trại ở quận Sekayam, tỉnh Tây Kalimantan, Indonesia. Ông Thomas Djamaluddin, nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Không gian và Hàng không của Indonesia, cho biết qua quá trình xác minh, có thể xác nhận những mảnh vỡ này thuộc về tên lửa đẩy Long March 5B của Trung Quốc.
“Thông tin chúng tôi nhận được đã đủ để xác minh các mảnh vỡ. Thời gian và địa điểm phát hiện những mảnh vỡ này cũng liên quan tới đường đi của tên lửa Long March 5B khi quay trở lại Trái đất”, theo ông Thomas.
Ông Thomas cho hay 2 mảnh vỡ đã được phát hiện tại làng Pengadang, một mảnh có chiều dài khoảng 2m, mảnh còn lại dài khoảng 4m.
Bên cạnh đó hãng Guardian lẫn thông tin từ một hãng tin Malaysia cho biết một vòng kim loại cháy xém đường kính khoảng 5m được phát hiện tại đảo Kalimantan, Indonesia ngày 1/8. Ông Jonathan McDowell, nhà nghiên cứu tại Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, cho rằng mảnh kim loại này có kích thước trùng khớp với một bộ phận thuộc phần tầng lõi của tên lửa Trung Quốc.
Cùng ngày, theo truyền thông Malaysia, hai gia đình tại bang Sarawak, Malaysia đã phải sơ tán vì lo ngại về phóng xạ sau khi phát hiện một mảnh vỡ nghi từ tên lửa của Trung Quốc gần đó. Truyền thông Malaysia đăng tải hình ảnh một mảnh kim loại kích thước khoảng nửa mét nằm trên mặt đất.
Cơ quan không gian Malaysia cùng cảnh sát địa phương đang điều tra sự việc. Ông McDowell cho rằng khó có thể xác định mảnh vỡ trong bức ảnh đó có thuộc về tên lửa Trung Quốc hay không, nhưng dựa trên thông tin do truyền thông địa phương đăng tải về các trường hợp người dân phát hiện vật thể kim loại khả nghi, khả năng đã có một vài mảnh vỡ của tên lửa đã rơi xuống khu vực biên giới Indonesia và Malaysia.
Nhiều người dân tại bang Sarawak, Malaysia đăng tải hình ảnh các mảnh vỡ từ tên lửa đã lóe sáng trên bầu trời khi quay trở lại khí quyển Trái đất.
Ông Aizul Sidek, người dân sống tại Kuching, Sarawak đã dùng điện thoại quay lại sự việc cho biết: “Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ đây là sao băng”. Còn theo một người dân khác, vào khoảng 12h40 ngày 30/7, ông bất ngờ nghe thấy tiếng tiếng nổ to như tiếng sấm và ngôi nhà bị rung lắc.
Thông tin về mảnh vỡ từ tên lửa Long March 5B của Trung Quốc đã rộ lên từ nhiều tuần qua. Tên lửa Long March 5B được phóng lên quỹ đạo vào hôm 24/7 để mang mô-đun thứ 2 lên trạm không gian Thiên Cung đang được xây dựng của Trung Quốc. Theo thiết kế, tầng lõi của Long March 5B sẽ bị hút trở lại Trái Đất bởi lực kéo khí quyển trong 6 ngày sau đó. Thông thường, tầng lõi lớn thường được điều khiển để tự hủy an toàn bên trên đại dương hoặc khu vực không có người ở.
Nhưng phương pháp loại bỏ tầng lõi ở trường hợp tên lửa Trường Chinh 5B gây tranh cãi do nguy cơ gây thương tích hoặc thiệt hại sau mỗi lần phóng. Cơ quan vũ trụ Trung Quốc vấp phải chỉ trích do để tầng lõi tên lửa Trường Chinh 5B trở thành khối rác vũ trụ lớn trong cả 3 nhiệm vụ tính đến nay.
Trung Quốc khẳng định đã theo dõi chặt chẽ các mảnh vỡ của tên lửa khi quay trở lại Trái đất và cam kết sự việc này không tiềm ẩn nhiều nguy cơ với người dân trên mặt đất.
Video người dân Malaysia quay cho thấy vật thể lạ phát sáng trên bầu trời: