Nhiều mặt hàng nông sản lập kỷ lục chỉ trong 11 tháng

Dù mới trải qua 11 tháng đầu năm 2024, nhiều mặt hàng nông sản đã ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao nhất các năm giai đoạn 2013 - 2023 như cà phê, rau quả, gạo...

Ảnh minh họa: Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 đạt 6,6 tỷ USD, vượt qua giá trị xuất khẩu của các năm giai đoạn 2013 - 2023. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Ảnh minh họa: Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 đạt 6,6 tỷ USD, vượt qua giá trị xuất khẩu của các năm giai đoạn 2013 - 2023. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Theo báo cáo của Trung tâm chuyển đối số và thống kê nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2024 của Việt Nam ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2% YoY; sản phẩm chăn nuôi đạt 475,5 triệu USD, tăng 4,4% YoY; thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8% YoY.

Trong kỳ, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 15,59 tỷ USD, tăng 19,6% YoY; xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,69 tỷ USD, giảm 5,7% YoY; xuất khẩu muối đạt 5,3 triệu USD, tăng 2,7% YoY.

Trong kỳ, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ghi nhận kỷ lục, vượt qua kết quả 12 tháng giai đoạn 2013 – 2023 như cà phê, gạo, rau quả... Hạt tiêu cũng lấy lại mốc tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sau 6 năm (kể từ năm 2018 đến nay).

Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,8 triệu tấn cao su với giá trị 2,95 tỷ USD, giảm 6% về lượng nhưng tăng 17,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 11 tháng đầu năm 2024 đạt 132,3 nghìn tấn và 233,7 triệu USD, tăng lần lượt 24,7% YoY và 26,4% YoY. Cà phê xuất khẩu trong kỳ đạt gần 1,2 triệu tấn và 4,84 tỷ USD, giảm 15,4% YoY về lượng nhưng tăng 32,8% YoY về giá trị.

Khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt gần 8,5 triệu tấn và 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% YoY; hạt điều tăng 21,4% về giá trị, lên mức 4,01 tỷ USD.

Trong kỳ, Việt Nam xuất khẩu 234,7 nghìn tấn hạt tiêu với giá trị 1,22 tỷ USD, giảm 4,4% về khối lượng nhưng tăng 46,5% về giá trị so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 11 tháng đầu năm 2024 đạt 475,7 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu đạt 113,2 triệu USD, giảm 7% YoY; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 147,3 triệu USD, tăng 5,3% YoY.

Trong kỳ, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,62 tỷ USD, tăng 20,5% YoY.

Về giá, giá xuất khẩu trung bình các mặt hàng trong 11 tháng đầu năm 2024 đều ghi nhận tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cà phê là mặt hàng trong nhóm có mức tăng lớn nhất với +56,9% YoY, lên mức 4.037 USD/tấn. Hạt tiêu đứng vị trí thứ hai với +53,3% YoY, đạt 5.198 USD/tấn; tiếp đến là cao su tăng 24,6% YoY, đạt 1.675 USD/tấn; gạo tăng 10,6% YoY, đạt 627,9 USD/tấn.

Các mặt hàng còn lại có mức tăng nhẹ hơn với hạt điều +4,6% YoY, đạt 5.943 USD/tấn; sắn và sản phẩm từ sắn với +3,1% YoY, đạt 449,3 USD/tấn; chè +1,3% YoY, đạt 1.766 USD/tấn.

Tiềm năng xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025

Về thị trường, báo cáo cho biết, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2024 với thị phần 48,2%. Hai khu vực tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,7% và 11,3%. Thị phần của khu vực châu Phi và châu Đại Dương đạt 1,8% và 1,4%.

So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong kỳ sang khu vực châu Á tăng 16,1% YoY; châu Mỹ tăng 23,6% YoY; châu Âu tăng 30,4% YoY; châu Phi tăng 4,4% YoY và châu Đại Dương tăng 13,9% YoY.

Xét theo thị trường đơn lẻ, Mỹ chiếm 21,7% tỷ trọng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong kỳ; Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 21,6%, Nhật Bản với 6,6%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ tăng 24,6% YoY, Trung Quốc tăng 11% YoY và Nhật Bản tăng 5,5% YoY.

Đánh giá tiềm năng thị trường trong thời gian tới, theo báo cáo của Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo), Bộ NN&PTNT công bố ngày 16/12, với quy mô dân số trên 330 triệu người và là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ là thị trường tiêu dùng lớn các sản phẩm như cà phê, hạt điều, hạt tiêu... Đặc biệt, Mỹ là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ, do đó còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, nhất là các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, trái cây nhiệt đới...

Đáng chú ý, thị trường gỗ và các sản phẩm gỗ của Mỹ ước đạt 125,6 tỷ USD trong năm 2024, có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 1,11%/năm trong giai đoạn 2024 – 2029. Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2024, Mỹ đã chi 8,16 tỷ USD để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam, chiếm 55% tổng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Tại Trung Quốc, quốc gia này là thị trường lớn nhất thế giới với quy mô dân số hơn 1,4 tỷ người, nền kinh tế tăng trưởng cao, ổn định, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng. Nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản của Trung Quốc được dự đoán tăng mạnh như rau quả tăng 6,64%/năm, thủy sản tăng 7,56%/năm giai đoạn 2024 – 2029.

Trong khi đó, quốc gia này có vị trí địa lý gần Việt Nam, quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng phát triển sâu rộng hơn, đã ký kết và thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN, đây là các yếu tố thuận lợi để các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tại Nhật Bản, người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ, an toàn và đạt tiêu chuẩn bền vững. Nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Nhật Bản cao như thủy sản (tôm), gỗ và các sản phẩm gỗ (gỗ nguyên liệu, dăm gỗ, viên nén), rau quả (rau và trái cây đông lạnh, quả và hạt chế biến).

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đang có các chính sách thúc đẩy hợp tác thương mại, đặc biệt thông qua các hiệp định thương mại tự do như VJEPA, AJCEP, RCEP và CPTPP

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhieu-mat-hang-nong-san-lap-ky-luc-chi-trong-11-thang-36677.html