Nhiều mặt hàng xuất khẩu về đích sớm
Năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu của Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhiều mặt hàng xuất khẩu về đích sớm.
Nỗ lực vượt khó
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2023 ước đạt 150 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm. Một số sản phẩm xuất khẩu vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, gồm: sản phẩm chè các loại ước thực hiện hơn 9,6 triệu USD, so với kế hoạch năm vượt 48,4%; Bột Barite ước đạt 4,985 triệu USD, vượt kế hoạch 4,565 triệu USD; Antimony thỏi đạt 2,66 triệu USD, vượt 75,58% so với kế hoạch năm. Trong đó, một số đơn vị có giá trị xuất khẩu hàng hóa lớn như Công ty cổ phần Chè Sông Lô, Công ty TNHH Chè Long Phú, Công ty TNHH 27-7, Công ty cổ phần Khoáng sản Bảo Âu…
Ông Khổng Mạnh Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tuyên Quang cho biết, xuất khẩu tăng đã góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. Tính đến giữa tháng 12, tổng thu ngân sách mà đơn vị thực hiện đạt 122 tỷ đồng, bằng 280% kế hoạch Bộ Tài chính giao; đạt 276% kế hoạch UBND tỉnh giao; tăng 187% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này, Chi cục Hải quan Tuyên Quang đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khai quan, xuất nhập khẩu hàng hóa. Nổi bật, là đơn vị đã áp dụng tốt công nghệ thông tin vào trong quá trình khai quan, hiện đại hóa ngành hải quan. Toàn bộ dữ liệu của doanh nghiệp được truyền qua mạng đến chi cục, sau đó cán bộ hải quan trực tiếp kiểm soát, hướng dẫn bổ sung và thông báo ngay cho doanh nghiệp chỉnh sửa.
Phó Giám đốc Sở Công thương Lộc Kim Liễn cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi. Vì thế tình hình xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường nước ngoài ở một số mặt hàng tăng đột biến, đảm bảo giá trị xuất khẩu hàng hóa của một số mặt hàng tăng đột biến so với mọi năm. Như sản phẩm bột Barite, mọi năm giá trị xuất khẩu ở mặt hàng này không cao, ngành công thương chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 0,42 triệu USD/năm. Tuy nhiên, do nhu cầu thế giới tăng đột biến, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 4,985 triệu USD. Ngoài ra, do một số doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy tiêu thụ hàng hóa lên cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động như sản phẩm của ngành chè. Nhờ đó mà bù đắp được những khó khăn xuất khẩu hàng hóa ở những ngành hàng khác.
Linh hoạt các giải pháp
Sở Công thương nhận định, năm 2024 dự báo hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn và thách thức do kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều này sẽ gây ra khó khăn nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tích lũy và những giải pháp linh hoạt từ phía các doanh nghiệp cộng quyết tâm tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ và của tỉnh, cho phép Tuyên Quang tiếp tục kỳ vọng xuất khẩu năm 2024 vẫn có sức bật mới.
Năm 2023, Công ty cổ phần Chè Sông Lô xuất khẩu được hơn 4.000 tấn chè xanh và chè đen các loại. Giá trị xuất khẩu ước đạt 5,8 triệu USD, vượt kế hoạch hơn 4,3 triệu USD. Ông Ngô Đức Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô (TP Tuyên Quang) cho biết: Trước đây, công ty chủ yếu xuất khẩu sang các nước ở thị trường Trung Đông như Ấn Độ, Pakistan và các nước Nga, Hà Lan thì năm 2023 công ty đã tìm kiếm và xuất khẩu thêm được sang hai nước là Trung Quốc và Anh. Hiện nay công ty đã được cấp mã số vùng trồng, điều này giúp cho việc thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường mới được thuận lợi, dễ dàng hơn. Đây cũng là điều kiện, tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và kỳ vọng ở năm 2024 sẽ còn đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn nữa.
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn, thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Sở kịp thời thông tin các cơ chế, chính sách mới tới các doanh nghiệp; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, nguồn lao động (các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh…). Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại nội địa và xúc tiến xuất khẩu ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…