Nhiều mô hình HTX 'ăn nên làm ra' nhờ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Trước thời điểm sáp nhập với tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Tiền Giang quan tâm phát triển kinh tế tập thể (KTTT) đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, giải quyết đầu ra cho sản phẩm địa phương, đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên và lao động thời vụ tại các HTX.

Trong vụ Xuân Hè năm 2025, nông dân tỉnh Tiền Giang gieo sạ được 19.000 ha lúa. Nông dân phấn khởi thu hoạch đạt năng suất bình quân khoảng 61 tạ/ha và sản lượng khoảng 116.000 tấn lúa hàng hóa.

Nông dân an tâm trồng lúa chất lượng cao

Điển hình có các HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh, HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới, HTX nông nghiệp Mỹ Thành Nam... trong vụ Xuân Hè năm 2025 đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp xay xát, chế biến lương thực xuất khẩu bao tiêu cho nông dân trên diện tích hàng ngàn ha. Qua đó, góp phần giải quyết đầu ra cho hạt lúa hàng hóa và bảo đảm lợi nhuận cho nông dân địa phương; bà con an tâm tổ chức sản xuất, thâm canh đạt hiệu quả kinh tế cao.

HTX nông nghiệp Mỹ Thành Nam thu hút trên 50 thành viên với tổng diện tích canh tác khoảng 100 ha lúa chất lượng cao mỗi năm 2 - 3 vụ.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thanh Nam sản xuất lúa theo chuẩn GlobalGAP với diện tích 200 ha.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thanh Nam sản xuất lúa theo chuẩn GlobalGAP với diện tích 200 ha.

HTX nông nghiệp Mỹ Thành Nam cũng được đánh giá là đơn vị KTTT làm ăn hiệu quả nhất trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang cũ. Kinh nghiệm từ mô hình của HTX nông nghiệp Mỹ Thành Nam đang được địa phương nhân rộng trong thời gian tới nhằm phát triển bền vững ngành trồng lúa trước những thời cơ và thách thức mới trong giai đoạn hiện nay.

Để nâng cao thu nhập cho nông dân, giúp bà con thành viên HTX an tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng vừa bảo đảm chất lượng hạt lúa hàng hóa tham gia thị trường, từ năm 2009, HTX nông nghiệp Mỹ Thành Nam đã liên kết với Công ty ADC (thành phố Cần Thơ) trồng lúa theo tiêu chí GlobalGAP. Theo đó, HTX được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo tiêu chí GlobalGAP đầu vào và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn sản xuất bên ngoài.

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Thành Nam cho biết, trong vụ Xuân Hè năm 2025, thông qua liên kết với Công ty ADC, HTX đã trồng lúa hữu cơ theo tiêu chí GlobalGAP. Trà lúa thu hoạch đạt năng suất bình quân gần 60 tạ/ha. Bà con được doanh nghiệp bao tiêu giá 10.000 đồng/kg, giá trị sản lượng thu hoạch đạt khoảng 60 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi từ 35 triệu đồng/ha trở lên, cao gần gấp đôi so với sản xuất bên ngoài.

Ông Phan Văn Bảnh, thành viên HTX chia sẻ, gia đình ông canh tác 5.000m2 lúa hữu cơ theo mô hình liên kết chuỗi giá trị mang lại hiệu quả ưu việt hơn hẳn sản xuất truyền thống nên ông rất an tâm đầu tư thâm canh. Trong vụ Xuân Hè năm 2025, thu hoạch đạt năng suất khoảng 600 kg/công đất (1.000m2), tương đương 60 tạ/ha, sản lượng đạt 3 tấn lúa hàng hóa trên diện tích 5.000m2, bán trừ chi phí còn lãi khoảng 20 triệu đồng.

Nhờ liên kết trồng lúa chất lượng cao theo tiêu chí GlobalGAP, nhiều năm nay, HTX nông nghiệp Mỹ Thành Nam phát triển bền vững, ăn nên làm ra. Thành viên HTX không phải lo điệp khúc "trúng mùa, mất giá" như phương thức canh tác truyền thống trước đây.

Tại HTX Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì hiện có gần 2.400 thành viên, với tổng diện tích sản xuất lúa khoảng 800 ha. Thời gian qua, HTX đã xây dựng mã số vùng trồng lúa nội địa với diện tích hơn 255ha/515 hộ. Đặc biệt, HTX còn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp giúp thành viên an tâm hơn trong sản xuất. Qua đó, từng bước làm thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ và tập quán gieo sạ của nông dân, hướng đến sản xuất tập trung, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận.

Ông Huỳnh Văn Lượng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì cho biết: "Hiện, HTX đang liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp trên diện tích hơn 60 ha. Khi tham gia liên kết, đối với những diện tích lúa giống, thành viên sẽ bán lúa cao hơn thị trường 500 đồng/kg. Riêng những hộ không sản xuất lúa giống thì bán cao hơn thị trường 200 đồng/kg".

Liên kết mở rộng đầu ra

Không chỉ trong sản xuất lúa, thởi gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao cho sản phẩm, giúp các thành viên có thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Cụ thể, trong sản xuất trái cây có mô hình của HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát, HTX Mỹ Tịnh An tổ chức cho thành viên sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đồng thời, liên kết với với các công ty trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ với sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm; sản phẩm thanh long được chứng nhận OCOP 3 sao.

Sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao cho sản phẩm, giúp các thành viên HTX có thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao cho sản phẩm, giúp các thành viên HTX có thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn (RAT) có một số HTX điển hình như: HTX Tân Đông, HTX RAT Thạnh Hưng, Phú Quới, Hòa Thạnh ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lâu dài ổn định với siêu thị Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Big C, các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh và các nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh với sản lượng khoảng 5 - 7 tấn rau/ngày/HTX. Một số sản phẩm của các HTX được chứng nhận OCOP như: Cải dún, cải ngồng, cải thìa.

Trong chăn nuôi, HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công liên kết với các nông dân sản xuất và cung cấp Gà ta Gò Công theo hợp đồng cho các công ty, siêu thị, nhà hàng tại TP. Hồ Chí Minh, trung bình khoảng 80 tấn/năm; sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao...

Những mô hình liên kết của các HTX trên đang hoạt động có hiệu quả, mang lại thu nhập cao không chỉ cho HTX mà các thành viên và lao động thời vụ. Hầu hết người lao động tại các HTX này không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Nhiều gia đình trước kia thuộc hộ nghèo, nay đã thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Hòa, thành viên HTX Tân Đông, cho biết: “Thời gian qua, mặc dù có thời điểm biến động về giá cả thị trường và dịch bệnh xảy ra, nhưng HTX vẫn đảm bảo việc tiêu thụ cho thành viên. Ngoài ra, HTX xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao chất lượng và giúp thành viên ổn định cuộc sống”.

Phát triển HTX góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đầu năm nay, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tỉnh Tiền Giang, trong năm 2024, toàn tỉnh thành lập mới 8 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 197 HTX nông nghiệp, với 46.840 thành viên và 2 chi nhánh HTX. Trong đó, có 190/197 HTX nông nghiệp được phân loại (10 HTX xếp loại tốt, chiếm 5,3%; 125 HTX xếp loại khá, chiếm 65,8%; 29 HTX xếp loại trung bình, chiếm 15,3%; 9 HTX xếp loại yếu, chiếm 4,7%; 17 HTX ngưng hoạt động, chiếm 8,9% và 7 HTX còn lại không đánh giá xếp loại do mới thành lập).

Trong năm 2024, ngành nông nghiệp đã tăng cường công tác phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang và các ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nông nghiệp.

Cụ thể, ngành nông nghiệp đã phối hợp Liên minh HTX tỉnh rà soát, củng cố, nâng chất lượng hoạt động 50 lượt HTX nông nghiệp gắn với đánh giá thực hiện chỉ tiêu 13.1, 13.2 trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, HTX kiểu mới và gắn xây dựng mô hình điểm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động tại nhiều địa phương trong tỉnh. Nhờ đó đã góp phần vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Cụ thể, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% theo chuẩn nghèo đa chiều. Thực hiện Nghị quyết, tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp và đã về đích sớm chỉ tiêu này trước 2 năm. Theo đó, năm 2024, tỉnh đề ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 0,1% so với năm 2023, tức giảm 490 hộ nghèo, tương đương tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,87%. Qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2024 trên địa bàn thì toàn tỉnh đã giảm 890 hộ nghèo so với cuối năm 2023. Cuối năm 2024, Tiền Giang còn 4.035 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,79%, và 7.592 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,49%.

Huyền Mi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nhieu-mo-hinh-htx-an-nen-lam-ra-nho-lien-ket-san-xuat-tieu-thu-nong-san-1108044.html