Coi doanh nghiệp là đối tượng 'phục vụ' thay vì 'quản lý'
Coi doanh nghiệp là đối tượng 'phục vụ' thay vì đối tượng 'quản lý'. Đây là một trong những nội dung của kế hoạch vừa được Bộ Xây dựng ban hành nhằm cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, nhất quán các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ về Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Công nhân làm việc tại Công ty Cơ khí Động lực Toàn Cầu, khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai cũ). Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN
Kế hoạch này sẽ là căn cứ để các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị tập trung vào một số giải pháp; trong đó có việc đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách để phát triển kinh tế tư nhân. Cụ thể là rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách trong quản lý nhà nước.
Bộ Xây dựng quán triệt toàn thể công chức, viên chức, người lao động đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì đối tượng “quản lý”, đảm bảo nguyên tắc “nói đi đôi với làm”, “thống nhất trong toàn hệ thống chính trị”; nghiêm cấm lạm dụng quyết định hành chính, cơ chế “xin - cho”; thống nhất trong thực thi chính sách giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ ngành.
Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi Luật và các văn bản quy định chi tiết nhằm thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực được giao quản lý; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm chuyển các điều kiện kinh doanh, giấy phép, chứng nhận sang thực hiện công bố và hậu kiểm, loại bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, ngành xây dựng sẽ ứng dụng triệt để chuyển đổi số, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu và lộ trình quy định tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 - 2026.
Đồng thời xây dựng, công bố tại trang, cổng thông tin của đơn vị công cụ, giải pháp cảnh báo sớm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh về nguy cơ vi phạm pháp luật trên cơ sở tích hợp dữ liệu quản lý, cảnh báo từ cơ quan quản lý nhà nước; tiếp thu, kịp thời giải quyết các vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp - Bộ Xây dựng yêu cầu.
Các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân cũng được rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, thủ tục, đảm bảo bố trí đủ nguồn lực; chủ động bố trí, lồng ghép kinh phí hoặc tổng hợp, đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để triển khai hỗ trợ kinh tế tư nhân.
Để đảm bảo và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân, Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc khẩn trương rà soát, thực hiện thanh toán dứt điểm các hợp đồng đang nợ đọng, chấm dứt tình trạng chiếm dụng vốn của doanh nghiệp.
Cùng đó, rà soát, phân loại đối tượng kiểm tra; chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài về cùng một nội dung, lĩnh vực. Theo đó, số lần kiểm tra tại doanh nghiệp bao gồm cả kiểm tra liên ngành không được quá một lần một năm, trừ trường hợp cần kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Kế hoạch kiểm tra phải được công bố công khai trên cổng thông tin để cộng đồng doanh nghiệp phối hợp thực hiện; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra trực tuyến, từ xa; ưu tiên kiểm tra dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm tối đa kiểm tra trực tiếp. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Với nhiệm vụ tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình hỗ trợ của ngành cho đối tượng doanh nghiệp; trong đó tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực quản trị, xây dựng hệ thống tài chính minh bạch, chuẩn mực, chuẩn hóa chế độ kế toán, kiểm toán...
Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực để kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.