Nhiều mô hình kinh tế mới… chờ môi trường hoạt động
Những ngày này, trên phạm vi toàn quốc đang diễn ra sự kiện 'Ngày chuyển đổi số quốc gia'. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng đã đề cập, xác định chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số là một trong những mục tiêu, quan điểm phát triển bền vững của đất nước. Không chỉ kinh tế số mà Việt Nam cũng đang nỗ lực theo đuổi nhiều mô hình kinh tế mới khác, như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - như là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển đất nước.
Ngày 31-3-2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào 2025 và đạt 30% vào năm 2030. Trong đó, tỷ trọng kinh tế số trong từng lĩnh vực, từng ngành đạt tối thiểu 10%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%, tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%..., để góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào 2045.
Trước đó, ngày 1-10-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu của quyết định này là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Ngày 7-6-2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, với mục tiêu tạo động lực cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh theo hướng sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường và gắn kết giữa các DN.
Mặc dù chủ trương rất rõ ràng như vậy và trên thực tế, cả 3 mô hình kinh tế mới này đã xuất hiện và hoạt động ngày càng rõ nét ở Việt Nam, nhưng hành lang pháp lý, điều kiện cho các mô hình hoạt động và phát triển vẫn chưa đủ. Chẳng hạn như đối với thương mại điện tử, vẫn còn thiếu vắng nhiều quy định liên quan đến chống hàng gian, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và chống gian lận thuế.
Trong quản lý kinh doanh vận tải, theo quy định thì hầu hết xe đều đã lắp thiết bị giám sát hành trình, nhưng ngành chức năng xử lý thông tin từ các thiết bị này rất chậm chạp. Một trong những nguyên nhân là cơ sở dữ liệu manh mún, phân tán, không có sự liên thông, đồng bộ.
Kinh tế xanh đã và đang là đòi hỏi cấp bách đối với nước ta, khi mà nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống hàng Việt liên tục đưa ra các rào cản thương mại liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, nhưng nhiều quy định về hỗ trợ tín dụng cho các dự án xanh vẫn chưa có. Không ít ngân hàng cho biết sẵn sàng có chính sách ưu đãi cho các dự án xanh, nhưng như thế nào là dự án xanh thì ngân hàng khó phân định bởi thiếu quy định cụ thể.
Kinh tế tuần hoàn cũng tương tự. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định rõ, rác thải phải được phân loại tại nguồn, nhưng sau phân loại thì vận chuyển, tái chế ra sao lại không nói rõ. Và đó là nguyên nhân chính khiến hoạt động tái chế rác chưa được kích hoạt hiệu quả ở nhiều địa phương.
Phụ phẩm nông nghiệp ở nước ta rất lớn, nhưng phần nhiều trong số này chưa được tái sử dụng như nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành khác. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam có khoảng 5-6 triệu hộ và 23.500 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trung bình mỗi năm thải ra 84,5 triệu tấn chất thải nhưng chỉ 20% trong số này được ủ phân, làm khí sinh học, nuôi trùn…, còn lại thải ra môi trường. Lý do là chưa có cơ chế khuyến khích cũng như các quy định pháp luật cụ thể về sử dụng hiệu quả phụ, phế phẩm nông nghiệp.
Nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện hoạt động cho các mô hình kinh tế này là những kiến nghị đã được cộng đồng DN nêu ra ở rất nhiều diễn đàn…
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, chỉ nhắc lại với hy vọng có thêm tiếng nói để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn.
Luật sư CHÂU VIỆT BẮC, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC): Doanh nghiệp cần chủ động
Bên cạnh những biến động của bối cảnh (dịch bệnh, chiến tranh), sự điều chỉnh của chính sách, khung pháp lý chắc chắn đã, đang tạo ra những biến số mới, đòi hỏi DN phải có sự trang bị đầy đủ về mặt kế hoạch và chiến lược. Từ góc độ đó, tôi cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng nhất trong việc quản trị cũng như phát triển một DN là giải pháp về pháp lý. Theo đó, các chính sách, thể chế cần được cải cách theo hướng thuận lợi hơn cho DN; và bản thân DN cũng cần có sự thích ứng, thay đổi kịp thời để hạn chế những ảnh hưởng hoặc rủi ro phát sinh từ bối cảnh khách quan của thị trường.
Việc đúc kết một bộ “áo giáp” về pháp lý thật chắc chắn là một trong những thành tố quyết định sự phát triển bền vững và hiệu quả của DN. Với việc hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật đang được sửa đổi, điều chỉnh, làm mới, cùng với đó là rất nhiều thách thức, rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, cộng đồng DN cần có các diễn đàn để chia sẻ và được các cơ quan, tổ chức, chuyên gia có chuyên môn hỗ trợ định hướng, tháo gỡ.
Ông NGUYỄN KHẮC HOÀNG, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM: Tiếp sức doanh nghiệp
Trước hết, cần tổ chức đánh giá tình hình giải quyết các vướng mắc, khó khăn mà DN đã kiến nghị trong thời gian qua; những nội dung đã làm được, những tồn tại chưa giải quyết, nêu rõ nguyên nhân từ đâu để định hướng giải quyết trong quý 4 năm 2023 và thời gian tới.
Về tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, trong 9 tháng năm 2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của DN hiện đang rất hạn chế. Vì vậy, cần tạo điều kiện hơn nữa cho DN tiếp cận vốn vay, tín dụng ưu đãi đối với các ngành kinh tế chủ lực và DN nhỏ và vừa; cho phép ngân hàng trong nước mua lại trái phiếu sắp tới hạn và xem như một dạng tín dụng đặc biệt, xây dựng cơ chế cho DN tham gia tín chấp bảo lãnh cho người lao động.
Bà NGUYỄN NGỌC HƯƠNG, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt: Chính sách ưu đãi nhất quán
DN chúng tôi chuyên về sản xuất các loại bột nông sản sấy lạnh như bột rau má, bột rau diếp cá, bột rau tía tô cùng các loại bột rau gia vị khác. Sản phẩm được xuất khẩu qua thị trường EU theo đường chính ngạch.
Lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi sự đầu tư bài bản, thời gian dài, nhưng lợi nhuận thấp; đây cũng là lĩnh vực gánh chịu nhiều rủi ro (hạn mặn, thiên tai…) nên DN rất cần sự ưu đãi về cơ chế, chính sách, các khoản vay phù hợp, nhất là trong giai đoạn hậu Covid-19 như hiện nay, nhiều DN đang gặp hàng loạt khó khăn liên quan đến thị trường, tài chính…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-mo-hinh-kinh-te-moi-cho-moi-truong-hoat-dong-post709580.html