Nhiều nền kinh tế lớn có thể rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới
Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, khu vực sử dụng đồng euro (euzone), Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Canada có thể rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới trong bối cảnh các ngân hàng trung ương siết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, theo nhận định của Ngân hàng Nomura Holdings (Nhật Bản) trong một báo cáo mới công bố.
Ngân hàng Nomura Holdings nhận định nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới bao gồm Mỹ, eurozone, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Canada có thể rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới. Ảnh: Economic Times
“Ngay bây giờ, nhiều ngân hàng trung ương trong số các nước trên đã chuyển sang thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là giảm lạm phát. Sự tín nhiệm của chính sách tiền tệ là một tài sản quá quý giá mà họ không muốn đánh mất. Vì vậy, họ sẽ hành động rất quyết liệt”, Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng kiêm Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu, một trong hai tác giả của báo cáo, nói.
Theo Subbaraman, điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương này sẽ tăng mạnh lãi suất. Subbaraman cho rằng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã duy trì chính sách “siêu nới lỏng” tiền tệ trong thời gian quá dài với hy vọng lạm phát tăng chỉ là vấn đề tạm thời. Giờ đây, họ phải đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Ông nói tiếp: “Khi có nhiều nền kinh tế cùng suy yếu, bạn không thể dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó là một lý do khác khiến chúng tôi nghĩ rằng rủi ro suy thoái lần này là có thực và có khả năng xảy ra”.
Mức độ suy thoái sẽ rất khác nhau ở mỗi nước. Báo cáo Nomura Holdings nhận định nền kinh tế Mỹ có thể chứng kiến một đợt suy thoái nhẹ nhưng kéo dài khoảng 5 quí bắt đầu từ quí cuối cùng năm 2022.
Subbaraman nói: “Bắt đầu quí 4 năm nay, Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, được định nghĩa là tăng trưởng âm trong hai quí liên tiếp. Đó sẽ là cơn suy thoái nhẹ nhưng kéo dài 5 quí liên tục”.
Trong tháng 6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (0,75 điểm phần trăm) lên biên độ 1,5-1,75% và Chủ tịch Fed, Jerome Powell đã phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm 50-75 điểm cơ bản trong tháng 7.
Subbaraman dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng 7 và thêm 50 điểm cơ bản nữa trong cuộc họp tiếp theo, rồi sau đó sẽ tăng 25 điểm mỗi tháng cho đến tháng 2 năm sau để đưa lãi suất lên mức 3,75%.
Các nhà kinh tế của Nomura Holdings cảnh báo suy thoái của khu vực eurozone có thể sâu hơn nếu Nga cắt đứt hoàn toàn dòng chảy khí đốt sang khu vực này. Do chi phí năng lượng tăng vọt, lạm phát của eurozone tăng đến 8,6% vào tháng 6, mức tăng cao nhất kể từ khi khối này được thành lập vào năm 1999.
Hồi đầu tháng 7, Nord Stream AG, công ty vận hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 kết nối Nga với Đức, thông báo sẽ đóng cửa đường ống này từ ngày 11-7 đến ngày 21-7 để thực hiện công tác bảo dưỡng. Nord Stream 1 là hạ tầng nhập khẩu khí đốt lớn nhất của châu Âu. Trước đó, Tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga đã cắt giảm 40% lưu lượng khí đốt cung cấp cho đường ống này. Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo Nga có thể không khôi phục công suất đầy đủ của đường ống Nord Stream 1 sau khi bảo dưỡng xong.
Báo cáo của Nomura Holdings nhận định Mỹ lẫn eurozone sẽ tăng trưởng âm 1% trong năm 2023, và nền kinh tế Anh sẽ suy giảm 1,5% nếu xảy ra suy thoái.
Trong báo cáo nghiên cứu, Ngân hàng Nomura Holdings lưu ý trong những năm gần đây, cơn bùng nổ thị trường nhà ở các nền kinh tế như Úc, Canada và Hàn Quốc chủ yếu dựa vào tiền vay nợ. Vì vậy, những nền kinh tế này đối mặt rủi ro suy thoái sâu hơn dự báo nếu đà tăng của lãi suất châm ngòi cho cú súp đổ của thị trường bất động sản. Các nhà kinh tế của Nomura Holdings nhận định Hàn Quốc có thể chứng kiến tăng trưởng âm đến 2,2% trong quí 3.
Nhật Bản được dự báo suy thoái nhẹ nhất trong số nền kinh tế lớn đối mặt rủi ro suy thoái nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ và mở cửa kinh tế chậm hơn sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
“Trường hợp ngoại lệ là Trung Quốc, nước đang phục hồi sau cơn suy thoái khi nền kinh tế mở cửa trong bối cảnh giới chức trách triển khai chính sách nới lỏng tiền tệ. Dù vậy nước này vẫn có nguy cơ bị phong tỏa trên diện rộng và đối mặt một cuộc suy thoái khác nếu Bắc Kinh vẫn duy trì chiến lược ‘zero-Covid’”.
Dù nhận thức được rủi ro suy thoái nếu tăng mạnh lãi suất nhưng các ngân hàng trung ương ở các nước như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Canada, Úc không còn sự lựa chọn nào khác.
Subbaraman cảnh báo nếu các ngân hàng trung ương không thắt chặt chính sách tiền tệ để hạ nhiệt nhu cầu và giá cả ngay bây giờ, thì lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài và lúc đó, cơn đau kinh tế sẽ còn lớn hơn nhhiều.
Theo CNBC, Bloomberg
Khánh Lan