Nhiều ngân hàng quay lưng với Nga, các công ty Trung Quốc 'như ngồi trên đống lửa' vì không thể giao dịch với 'khách sộp'
Các công ty Trung Quốc đang nỗ lực vượt rào cản và 'đòn trừng phạt' để đẩy mạnh thương mại với các đối tác Nga. Tuy nhiên, việc chậm trễ trong khâu thanh toán đang là 'hòn đá tảng' cản bước những nỗ lực này.
Trong những tuần gần đây, tầng 25 của tòa tháp Thượng Hải luôn trong tình trạng quá tải bởi sự có mặt của đông đảo các công ty xuất khẩu Trung Quốc. Rất nhiều lãnh đạo công ty, các doanh nhân từ khắp nơi đến đây để mở tài khoản mới tại Ngân hàng VTB - Ngân hàng Nga duy nhất còn đang hoạt động tại Trung Quốc.
Yeno Yan, chủ một công ty máy móc nông nghiệp ở tỉnh Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc đang đau đầu với việc thu xếp các khoản thanh toán từ khách hàng Nga - một vấn đề phổ biến mà nhiều chủ doanh nghiệp gặp phải kể từ khi phương Tây áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022.
Yan từng hy vọng có thể mở một tài khoản tại các ngân hàng Trung Quốc gần biên giới phía Đông Bắc, giáp với Nga, tuy nhiên cũng sớm thất vọng vì "khoảng cách quá xa và chúng tôi nghe nói rằng gần đây họ cũng đã đình chỉ các dịch vụ ngoại hối", ông than thở.
Các công ty Trung Quốc đang nỗ lực vượt rào cản và "đòn trừng phạt" để đẩy mạnh thương mại với các đối tác Nga. Thương mại song phương đã đạt mức cao kỷ lục 240 tỷ USD vào năm ngoái do nhu cầu nội địa mạnh mẽ đối với các sản phẩm năng lượng của Nga và việc Nga mua ô tô, hàng tiêu dùng và các sản phẩm khác từ Trung Quốc.
Dù vậy, chậm trễ thanh toán là vấn đề chủ yếu mà nhiều doanh nghiệp gặp phải thời điểm này. Một số công ty nhỏ hơn thì cạn kiệt tiền mặt và tuyệt vọng đến mức bắt đầu cân nhắc việc rút hoàn toàn khỏi thị trường Nga.
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang nước láng giềng phía Bắc vào tháng Tư đã giảm 15,7% so với cùng kỳ trong tháng Ba và giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong khoảng thời gian 4 tháng đầu năm, Bắc Kinh đã ghi nhận mức giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau cuộc gặp vào tuần trước tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong các khu định cư xuyên biên giới, cũng như các công cụ, nền tảng thanh toán cho thương mại và kinh doanh giữa khối BRICS mà cả hai đều đang là thành viên. Ngoài Nga và Trung Quốc, BRICS còn bao gồm các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết nào về các giải pháp ngắn hạn cho vấn đề thanh toán được hai bên nhắc tới.
Ngay cả từ phía Nga - "khách hàng sộp" của Trung Quốc cũng đang khá lo ngại. Mặc dù cả hai quốc gia đều có hệ thống tương đương với hệ thống của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) và phần lớn thương mại song phương hiện được thanh toán bằng đồng NDT hoặc Ruble thay vì USD hay Euro, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều điểm vướng mắc hạn chế thương mại song phương.
Maxim Kuznetsov, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nga-châu Á, cho biết: “Phần lớn các công ty Nga buộc phải sử dụng dịch vụ của người trung gian với chi phí tăng thêm từ 3 đến 6% giá hóa đơn. Các ngân hàng chủ chốt của Trung Quốc đều lo ngại hợp tác với Nga do nguy cơ bị Mỹ trừng phạt thứ cấp… Hiện tại chỉ có VTB có chi nhánh Trung Quốc đang hoạt động và có thể duy trì thanh toán như bình thường”.
VTB, ngân hàng lớn thứ hai của Nga, đã được thêm vào danh sách trừng phạt của Mỹ, cùng với Giám đốc điều hành Andrey Kostin.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với Washington Post vào tháng 10, ông Andrey Kostin từng tuyên bố chi nhánh Thượng Hải của Ngân hàng, ra mắt từ năm 2008, đã tuyển dụng 40 người và có thể đóng một vai trò quan trọng trong mở rộng hợp tác Nga-Trung Quốc.
Người đứng đầu Ngân hàng VTB cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia mạng thanh toán lấy đồng NDT làm trung tâm của Trung Quốc. “Chúng ta nên có nhiều tài khoản ngân hàng tương ứng trực tiếp hơn để giao dịch bằng đồng Ruble và NDT, đồng thời chúng ta nên tạo ra một trung tâm thanh toán lưu ký quốc tế mới", ông Kostin gợi ý.
Rất nhiều công ty xuất khẩu Trung Quốc đang hồi hộp chờ đợi những diễn biến mới, vì Nga vốn là thị trường đầy hứa hẹn và tiềm năng với hàng hóa từ Trung Quốc.
Rick Wang, giám đốc bán hàng của một công ty sản xuất áo khoác ở tỉnh Chiết Giang, cho biết ngay cả khi giao dịch được thanh toán bằng đồng NDT thì mọi việc cũng trở nên khó khăn hơn. Kể từ tháng Ba, gánh nặng gia tăng khi công ty ông phải xuất trình thêm nhiều giấy tờ như giấy chứng nhận sử dụng phi quân sự cho khách hàng Nga, giấy chứng nhận cổ đông hợp pháp và vận đơn.
Thị trường Nga hiện chiếm khoảng 20% đơn đặt hàng nước ngoài của công ty Wang. Do đó, chu kỳ thanh toán đã tăng lên, từ dưới ba tháng lên hơn năm tháng.
“Hiện tại phần lớn các khách hàng Nga đều yêu cầu các nhà xuất khẩu Trung Quốc mở tài khoản tại các ngân hàng Nga để có thể thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, chúng tôi lại lo lắng về những rủi ro tiềm ẩn, như an ninh quỹ và hay bị đưa vào danh sách trừng phạt do mở tài khoản tại một ngân hàng Nga”, ông Wang cho biết.
Mặc dù nhiều khách hàng đến từ Moscow đang thử nghiệm các cách chuyển tiền khác thông qua việc sử dụng các ngân hàng và công ty trung gian địa phương khác nhau, Jerry Ni, một nhà kinh doanh hàng tiêu dùng có trụ sở tại Chiết Giang chia sẻ nhiều khả năng sẽ phải từ bỏ thị trường béo bở này nếu các ngân hàng Trung Quốc phải tăng cường kiểm toán do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Tôi sẽ không chuyển sang sử dụng các ngân hàng ngầm hoặc các giải pháp thay thế khu vực xám đầy rủi ro. Nhu cầu của Nga rất lớn vì họ không có lĩnh vực sản xuất hoàn chỉnh đối với các mặt hàng tiêu dùng. Sẽ thật đáng tiếc nếu rút lui khỏi thị trường lớn này”, doanh nhân này nhấn mạnh.