Nhiều ngân hàng thực hiện 90% giao dịch trên kênh số

Thông tin trên được các chuyên gia cung cấp tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2024, diễn ra sáng nay (8/8).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong tháng 1/2024, thanh toán không dùng tiền mặt tăng đến 63% về số lượng và hơn 41% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, giao dịch qua kênh internet tăng gần 59% về lượng và 32% về giá trị. Giao dịch qua điện thoại di động tăng hơn 68% về số lượng và tăng hơn 41% về giá trị. Điều này cho thấy, xu hướng chuyển dịch từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến hơn.

Giới chuyên gia trong ngành cũng nhận định, đáp ứng xu hướng chung của thị trường, hệ thống ngân hàng đã ứng dụng rất tốt quá trình chuyển đổi số. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% như: tiền gởi tiết kiệm, tiền gởi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyền tiền,... Thống kê chỉ rõ, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Hiện nay nhiều giao dịch mua bán được thanh toán bằng cách chuyển khoản, quẹt thẻ, quét mã QR...

Hiện nay nhiều giao dịch mua bán được thanh toán bằng cách chuyển khoản, quẹt thẻ, quét mã QR...

Liên quan đến “đòn bẩy” thúc đẩy giao dịch số, không ít ý kiến cho rằng, chính sách của Chính phủ trong việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính, nhất là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đã có tác động lớn đến thị trường công nghệ tài chính. Các nhà phân tích cho biết, 93% các khoản đầu tư mạo hiểm trong nước đều hướng đến phân khúc ví điện tử và tiền điện tử.

Giao dịch không dùng tiền mặt tăng cao, vì vậy buộc hệ thống ngân hàng phải tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, quy trình hoạt động được số hóa, ứng dụng tốt công nghệ và bảo mật thông tin.... Lý do, tội phạm công nghệ luôn rình rập và đi trước.

Theo thống kê của Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2023 có khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Có gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP).

Hiện nay, có nhiều hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Điển hình, các đối tượng yêu cầu nâng cấp sim điện thoại, giả danh cơ quan thuế; kêu gọi tham gia đầu tư tài chính, giả nhân viên ngân hàng; kêu gọi làm cộng tác viên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki,...

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhieu-ngan-hang-thuc-hien-90-giao-dich-tren-kenh-so-10287541.html