Nhiều ngân hàng tự tin lãi lớn bất chấp nợ xấu 'đe dọa'

Tăng trưởng tín dụng thấp kèm theo việc phải tăng trích lập dự phòng đang là những yếu tố 'đe dọa' lợi nhuận ngành ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà băng vẫn tự tin lãi lớn nhờ một 'vũ khí' khác.

Ngành ngân hàng tự tin với kế hoạch tăng trưởng

Ngành ngân hàng tự tin với kế hoạch tăng trưởng

Năm 2021 đang dần khép lại với nhiều biến động do khủng hoảng Covid-19 nhưng với các ngân hàng thương mại vẫn có nhiều tín hiệu khả quan về kết quả kinh doanh trong năm.

Tính đến hiện tại, các ngân hàng không chỉ công bố những kết quả tăng trưởng dương, một số còn hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm.

Ẩn số nợ xấu

Lý giải nguyên nhân các ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận trong khi các ngành khác đang "khổ sở" vì dịch Covid-19, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép được giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã phần nào giúp cho lợi nhuận ngân hàng tăng lên.

Bởi lẽ, việc được giữ nguyên nhóm nợ nói trên đã giúp các ngân hàng không phải ngay lập tức trích lập dự phòng, mà được trích lập theo lộ trình quy định. Từ đó, giảm chi phí hoạt động dẫn tới lợi nhuận vẫn rất khả quan như hiện tại.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng, theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng bắt buộc phải trích 30% dự phòng phần dư nợ tái cơ cấu vào cuối năm nay và 100% trong 2 năm tới.

Do đó, áp lực trích dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng đối với các khoản nợ cơ cấu cho khách hàng là rất lớn.

Thậm chí theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngay cả những khoản nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn, có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi) cũng có thể bị ảnh hưởng. Bởi khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh, doanh nghiệp lâm vào khó khăn thì nguy cơ nợ xấu trong tương lai là rất cao.

Số liệu của NHNN cho biết, đến ngày 28/9/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với hơn 272.100 khách hàng với dư nợ cho vay khoảng 331.000 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 đến 30/9 của 16 ngân hàng là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết.

Đánh giá độ trễ của đại dịch Covid-19 tác động tới ngành ngân hàng sẽ kéo dài sang năm 2022, NHNN dự báo tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng cuối năm 2021 có thể tăng lên từ 7,1 - 7,7%, gấp đôi so với cuối năm 2020. Vì vậy, việc tăng nguồn lực dự phòng rủi ro lại càng trở nên cấp thiết, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

Thực tế, trong thời gian qua nhiều ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng dự phòng rủi ro như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, ACB, LienVietPostBank, VPBank... trung bình hơn 100% so với 9 tháng năm 2020.

Nói về những lo ngại này, ông Nguyễn Anh Đức , Giám đốc Khối phát triển khách hàng tổ chức, Công ty chứng khoán SSI cho biết, ẩn số nợ xấu và tăng cường trích lập dự phòng đang là những yếu tố "đe dọa" lợi nhuận ngân hàng nhưng nếu nền kinh tế phát triển đúng hướng thì nỗi lo không nhiều, ngân hàng còn có cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nhận định, nhiều dự báo cho rằng năm 2022, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 4,5-6,5%, gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khoảng 800.000 tỷ đồng nếu được thông qua thì ngân hàng được hưởng lợi gián tiếp.

Gói kích thích kinh tế sẽ tạo ra công ăn việc làm, doanh nghiệp có dòng tiền, từ đó giảm tiềm ẩn rủi ro nợ xấu. Từ đầu năm đến nay, gói hỗ trợ khoảng 3% GDP đã giải quyết được khá nhiều, giúp dòng tiền luân chuyển trở lại.

"Việc lo lắng về nợ xấu là điều hợp lý nhưng ở góc độ đầu tư cơ bản, giá trị thì việc này không tệ như mọi người nghĩ. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% (cuối năm 2020) lên 1,91% (quý III/2021) là vẫn trong tầm kiểm soát. Về dư nợ tái cơ cấu nợ là khoảng 2,6% tổng dư nợ vào cuối tháng 9/2021, thấp hơn nhiều so với 3,9% cuối năm 2020", bà Phạm Thùy Dương, Phó giám đốc bộ phận phân tích Quỹ đầu tư Dragon Capital nhận định.

Cũng theo bà Dương, nếu không xảy ra giãn cách xã hội diện rộng nữa thì lợi nhuận năm 2022 của ngành ngân hàng khó bị ảnh hưởng, tăng trưởng tín dụng có thể tăng trở lại. Vừa qua, nhiều ngân hàng đã xin thêm room tín dụng sẽ là động lức cho các ngân hàng.

"Vũ khí" tăng lợi nhuận

Bên cạnh cơ chế "nhốt" nợ xấu của NHNN thì lợi nhuận của ngân hàng cũng đến từ sự dịch chuyển sang mảng bán lẻ.

Ông Daniel Tabbush, sáng lập viên Tabbush Report cho biết, mảng bán lẻ tại Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn sơ khai và tiềm năng còn rất lớn. Với những ngân hàng có sự chuyển dịch sớm đang gặt hái “trái ngọt” ghi nhận tỷ suất sinh lợi tốt hơn, nguồn thu nhập ổn định; cùng với đó, giảm rủi ro cho tổng dư nợ tín dụng.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thùy Dương, Phó giám đốc bộ phận phân tích Quỹ đầu tư Dragon Capital cũng cho rằng, trong giai đoạn này, nếu ngân hàng nào không dịch chuyển sang mảng bán lẻ thì sẽ tụt lại phía sau.

Bà Dương đưa ra dẫn chứng: Hiện tổng cho vay hộ gia đình/GDP tại Việt Nam chiếm khoảng 30%, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... là khá thấp. Hơn nữa, các sản phẩm cho vay khách hàng cá nhân ở Việt Nam như bảo hiểm qua ngân hàng, mua nhà, thẻ tín dụng... có tỷ lệ lan tỏa thấp. Ví dụ như thẻ tín dụng chỉ có 8-10% tổng dân số, trong khi các nước khác đã lên 40%, thậm chí tại Singapore lên tới 95%.

"Điều này cho thấy mảng bán lẻ vẫn còn tiềm năng rất lớn đang chờ các ngân hàng thương mại khai thác", bà Dương nói.

Nhìn vào thực tế, trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, top đầu đẩy mạnh khai thác mảng bán lẻ hiện nay phải kể đến VIB, VPBank, TPBank… khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của các nhà băng này tăng hơn trên 50%.

Điển hình, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lũy kế đến cuối quý III/2021 của VIB đạt gần 6.254 tỷ đồng, chiếm 60% tổng thu nhập hoạt động và tăng 34% so với cùng kỳ.

Tương tự, thu lãi thuần từ dịch vụ trong 3 quý đầu năm 2021 của TPBank đã tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu dịch vụ từ hoạt động thanh toán, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Thực tế, vài năm trở lại đây không chỉ có nhóm ngân hàng tư nhân mà các ngân hàng quốc doanh cũng tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ. Vietcombank sau 2 năm đẩy mạnh, cũng đưa tỷ lệ dư nợ bán lẻ liên tục tăng, chiếm trên 54% cơ cấu. BIDV sau khi có sự tham gia của KEB Hana Bank cũng đang thúc đẩy chuyển đổi và tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động cho vay của các ngân hàng, lãi thu từ hoạt động dịch vụ được xem là “cứu cánh” cho tăng trưởng lợi nhuận của nhiều nhà băng.

Bà Trần Thu Hương, Giám đốc chiến lược kiêm Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, mảng bán lẻ hiện đang chiếm tới 70% tổng lợi nhuận của VIB.

Thậm chí, ngay cả khi phải hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo chính sách của NHNN, VIB vẫn tự tin bởi 90% khách hàng bán lẻ của VIB có tài sản đảm bảo tốt, khó khăn của khách hàng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, hoặc trung hạn.

"Nhiều khách hàng của VIB đã vượt qua được khó khăn một cách nhanh chóng, chỉ 3 đến 6 tháng họ đã trả được nợ, phần trích lập dự phòng được quay trở lại thành lợi nhuận của ngân hàng. Đây là một đóng góp khá đáng kể đối với lợi nhuận ngân hàng, nhất là tại VIB trong quý III và quý IV vừa qua", bà Hương chia sẻ.

Tuệ Minh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nhieu-ngan-hang-tu-tin-lai-lon-bat-chap-no-xau-de-doa-1639801313378.htm