Nhiều ngành nghề tăng mạnh tuyển dụng
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến hết tháng 5, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động (đạt hơn 60% kế hoạch năm). Trong đó, những ngành nghề như: Thương mại – dịch vụ; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng; Du lịch; Dịch vụ lưu trú và ăn uống được doanh nghiệp tuyển dụng lao động nhiều nhất.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng nhận định, những ngành nghề này sẽ còn tiếp tục tuyển dụng tăng mạnh. Thị trường lao động đã phục hồi và dần đi vào ổn định. Trong bản tin thị trường vừa được công bố, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, thị trường lao động đang tích cực và nhu cầu tuyển dụng cũng tăng dần ở nhiều nhóm ngành.
Doanh nghiệp phục hồi, tăng tuyển dụng
Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, thị trường lao động đang phục hồi và phát triển, thể hiện qua con số người được giải quyết việc làm tăng lên và cùng với đó, số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp giảm. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã dần ổn định và các doanh nghiệp xuất khẩu đã khắc phục được tình trạng thiếu đơn hàng.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất tập trung ở lĩnh vực Thương mại – dịch vụ. Đứng thứ 2 về tuyển dụng lao động với số lượng lớn là ngành nghề Công nghiệp chế biến, chế tạo.
“Qua khảo sát và từ thực tế tuyển dụng của doanh nghiệp, đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội là thời gian tới, thị trường lao động Hà Nội tiếp tục phục hồi. Nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động. Một số nhóm ngành sẽ có sự tăng tốc tuyển dụng nhân sự là Thương mại – dịch vụ; Du lịch; Dịch vụ ăn uống”, ông Thành nói.
Theo thông tin tuyển dụng của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tại đơn vị này nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với số lượng lao động lớn như: Chi nhánh Bưu chính Viettel – Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel tuyển 160 người vào làm việc tại 5 vị trí: nhân viên bưu tá, nhân viên kinh doanh, trưởng bưu cục, lái xe, nhân viên vận hành (mức lương từ 8 – 20 triệu đồng/tháng); Chi nhánh Viettel Hà Nội thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội tuyển 110 nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng, Telesale, thu cước viễn thông (mức lương từ 7 – 18 triệu đồng/tháng); Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội tuyển 141 lao động (mức lương 7 – 13 triệu đồng/tháng)… Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đang tăng, tuy nhiên việc tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp không ít khó khăn.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, để giúp doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, Sở đã chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức giải quyết việc làm, trong đó tập trung vào hoạt động của các sàn giao dịch ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối giữa các tỉnh, thành.
“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các quận, huyện liên tục thực hiện hàng chục phiên giao dịch việc làm lưu động. Đây là những cơ hội tốt dành cho người lao động các địa phương và khu vực lân cận tiếp cận doanh nghiệp tuyển dụng. Ngoài ra, hằng ngày, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều có các phiên giao dịch việc làm kết nối phỏng vấn online tới 14 điểm sàn trên địa bàn thành phố; phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên giao dịch kết nối, phỏng vấn online giữa các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng để hỗ trợ người lao động tìm việc làm và giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung lao động”, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam cho biết.
Hỗ trợ doanh nghiệp giải bài toán nhân sự
Theo bản tin thị trường lao động vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố, số lao động có việc làm hiện đạt 51,3 triệu người; nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong năm nay là hơn 1 triệu lao động, tập trung vào ba lĩnh vực chính: Dịch vụ 56%; Công nghiệp - xây dựng 37%; Nông - lâm - thủy sản 7%. Nhưng vấn đề đặt ra là phải có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn cung để tuyển dụng lao động. Bởi một trong những bất cập trên thị trường lao động thời gian qua là vẫn có nơi thừa lao động, nhưng có những nơi doanh nghiệp mỏi mắt cũng không tìm được lao động. Điều này cũng được chính Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận về việc vẫn có tình trạng thiếu lao động cục bộ ở một số địa phương.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, với vai trò kết nối người lao động và doanh nghiệp, đơn vị đang tích cực tổ chức đa dạng các loại hình phiên giao dịch việc làm. Các doanh nghiệp đăng ký tham gia phiên giao dịch việc làm với nhiều lĩnh vực, vị trí, mức lương, phù hợp với nhu cầu tìm việc của người lao động địa phương. Từ đó, tạo điều kiện cho người lao động chưa tìm kiếm được việc làm lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống ngay tại địa phương.
“Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với các trường nghề khảo sát và thu nhập thông tin về tìm kiếm việc làm của người học. Từ dữ liệu tìm kiếm việc làm của người lao động, Trung tâm mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động ở các nhóm ngành nghề phù hợp để có sự kết nối tương đồng, tạo ra sự gắn kết tốt hơn giữa người lao động và doanh nghiệp”, ông Thành cho biết.
Trong khi đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, để tiếp tục ổn định thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thời gian tới, Bộ sẽ tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường. Đặc biệt là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cần nhiều lao động, với các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long - nơi có nguồn nhân lực dồi dào. Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ đầu tư phát triển hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm công lập, cũng như nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/nhieu-nganh-nghe-tang-manh-tuyen-dung-i734652/