Nhiều ngành nghề vẫn thiếu hụt lao động cục bộ

Trong quý 1/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động, cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, thiếu hụt chủ yếu là lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử...

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bước sang năm 2022, thị trường lao động đang phục hồi, cầu lao động đã tăng trở lại, trong đó nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021.

Tại hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 tại TP.HCM vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng cho biết, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tăng từ 1,22% quý 4/2019 lên 4,46% (hơn 1,8 triệu người) quý 3/2021.

Sang năm 2022, thị trường lao động đang phục hồi trở lại dù chưa thể như trước dịch, riêng quý 1/2022 nguồn cung lao động là 51,2 triệu người, tăng 160.000 người so với cùng kỳ, chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).

Tuy nhiên, nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, riêng trong quý 1/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%.

Lao động thiếu hụt chủ yếu là lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, trong năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn có những tác động tiêu cực đến thị trường lao động, sẽ còn tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian tới, cơ quan này đề xuất chính sách như hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động thu hút, tuyển dụng lao động; đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tổ chức kết nối cung – cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực…

Về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh, cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất. Trong đó, cần tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng lao động; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung - cầu lao động…

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất sớm cải tiến, hoàn thiện chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, sửa đổi toàn diện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Nhật Dương -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhieu-nganh-nghe-van-thieu-hut-lao-dong-cuc-bo.htm