Đài Loan xây công nghiệp gió ngoài khơi, tiếp điện cho các nhà máy bán dẫn
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của các nhà máy bán dẫn, ngành công nghiệp năng lượng gió ngoài khơi của Đài Loan đang được đầu tư mạnh mẽ ...

Với tham vọng trở thành trung tâm năng lượng gió ngoài khơi của châu Á, Đài Loan đang đặt nền móng cho một ngành công nghiệp mới
Theo trang Restofworld, Đài Loan (Trung Quốc) đang triển khai lắp đặt các đường cáp năng lượng dưới biển để truyền tải điện từ các trang trại gió ngoài khơi đến các nhà máy sản xuất chất bán dẫn...
Ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu phụ thuộc lớn vào lĩnh vực bán dẫn của Đài Loan, nơi sản xuất chip cho phần lớn các thiết bị điện tử và mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) trên thế giới. Nhu cầu năng lượng cho sản xuất chip rất lớn: chỉ riêng TSMC đã tiêu thụ nhiều năng lượng trong năm 2024 hơn cả đất nước Iceland trong cùng kỳ.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGÀNH BÁN DẪN VÀ NHU CẦU NĂNG LƯỢNG
Theo dự báo của chính phủ Đài Loan, nhu cầu năng lượng của ngành này sẽ tăng gấp 8 lần vào năm 2028, đặc biệt do nhu cầu về AI. Hiện tại, khoảng 97% năng lượng của Đài Loan đến từ nhập khẩu, nhưng chính phủ đang tích cực phát triển năng lượng gió ngoài khơi, được truyền tải vào đất liền qua các đường cáp ngầm bọc thép dày.
Việc sản xuất, lắp đặt và bảo trì các đường cáp này không chỉ quan trọng với an ninh năng lượng mà còn là vấn đề an ninh quốc gia của Đài Loan. Chính phủ đã thúc đẩy phát triển một ngành công nghiệp gió nội địa, sở hữu toàn bộ hệ sinh thái cáp năng lượng.
Các chuyên gia cho rằng Đài Loan không chỉ tăng cường tự chủ năng lượng mà còn tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng xanh mà các tập đoàn như Apple, Microsoft, Amazon và Meta đánh giá cao. Dự báo, ngành này sẽ tạo ra hơn 20.000 việc làm vào năm 2025.
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP VÀ MỨC LƯƠNG HẤP DẪN TRONG NGÀNH CÁP NĂNG LƯỢNG
Sự phát triển của ngành năng lượng gió ngoài khơi đã mở ra một con đường sự nghiệp mới trong thị trường lao động công nghiệp của Đài Loan. Các kỹ sư có kỹ năng kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực cáp năng lượng gió, đang được săn đón mạnh mẽ. Công việc đặt cáp ngầm đòi hỏi sức bền và sự chính xác cao: mỗi mét cáp nặng 50 kg, một dự án có thể yêu cầu định vị tới 2,5 tấn cáp polymer và kim loại trong điều kiện đại dương biến động. Các kỹ sư phải thả cáp từ những vòng xoay khổng lồ, giữ độ căng và xoay chính xác để tránh rối cáp.
“Giống như xây một tòa nhà ở nơi luôn rung chuyển và hoàn toàn không thể đoán trước”, Giáo sư Tai-Wen Hsu từ Đại học Đại dương Quốc gia Đài Loan chia sẻ. “Điều kiện khắc nghiệt và có thể thay đổi nhanh chóng”.

Sự phát triển của ngành năng lượng gió ngoài khơi đã mở ra một con đường sự nghiệp mới trong thị trường lao động công nghiệp của Đài Loan
Nhà máy cáp ngầm đầu tiên do Đài Loan sở hữu, do Walsin Energy Cable System vận hành, sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay. Ngành công nghiệp này đã tạo ra giá trị sản xuất hơn 188 tỷ Đài tệ (5,77 tỷ USD) trong năm ngoái, tăng 51% so với các năm trước đại dịch. “Các kỹ sư điện thường làm việc trong ngành công nghệ hoặc bán dẫn, nhưng ngành mới này đã mở ra cơ hội cho những người có nền tảng kỹ thuật dân dụng và cơ khí để tham gia vào lĩnh vực năng lượng ngoài khơi”, Giáo sư Hsu nói.
Ngay cả các công việc cấp nhập môn trong ngành gió ngoài khơi cũng có mức lương cao gấp đôi so với mức trung bình của các ngành công nghiệp khác. Các kỹ sư giàu kinh nghiệm có thể kiếm được gấp đôi con số đó.
Năm 2022, Đài Loan sở hữu tàu đặt cáp đầu tiên, Orient Adventurer, do công ty Dong Fang Offshore tại Đài Trung vận hành. Tàu này có thể đặt 5.000 tấn cáp và được trang bị các phương tiện điều khiển từ xa (ROV) có thể lặn sâu tới 3.000 mét, vượt xa khả năng của thợ lặn. Orient Adventurer đã đặt cáp cho các trang trại gió ngoài khơi và cáp viễn thông nội địa cho Chunghwa Telecom, công ty viễn thông lớn nhất Đài Loan.
Weichun Hung, một nhân viên đào tạo thiết bị đặt cáp người Đài Loan làm việc cho công ty SAL Shipping của Singapore, bước chân vào ngành này ở tuổi 50 sau khi rời bỏ sự nghiệp lâu dài nhưng trì trệ trong lĩnh vực viễn thông. Vào tháng 3/2021, ông làm việc trên tàu Seaway Phoenix, chuẩn bị rời cảng Đài Trung để đến một trang trại gió ngoài khơi bờ biển phía tây Đài Loan. Lúc đó, tham vọng năng lượng gió của Đài Loan đang bắt đầu tăng tốc, với các móng tua-bin gió khổng lồ được đóng xuống đáy biển và các tàu chở thiết bị nặng hoạt động ngày đêm.
Dù không có kinh nghiệm ngoài khơi, Weichun Hung đã nhanh chóng hòa nhập nhờ nhu cầu cấp bách về lao động địa phương. Các công ty nội địa như Shinfox và Dong Fang đã đầu tư hàng tỷ USD vào các tàu đặt cáp để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Chính phủ Đài Loan được cho là ưu tiên các nhà cung cấp nội địa trong các gói thầu gió ngoài khơi.
“Chúng tôi không thể tham gia thị trường cáp viễn thông từ con số 0 vì đó là một lĩnh vực cạnh tranh và đã trưởng thành. Nhưng năng lượng gió ngoài khơi đã mang lại cho chúng tôi cơ hội và cơ sở hạ tầng để mở rộng sang thị trường đó”, Polin Chen, CEO của Dong Fang Offshore, chia sẻ.
TƯƠNG LAI CỦA NGÀNH GIÓ NGOÀI KHƠI ĐÀI LOAN
Theo GWEC Market Intelligence, Đài Loan được dự báo sẽ trở thành thị trường gió ngoài khơi lớn thứ hai châu Á vào năm 2030. “Đài Loan sẽ xây dựng hàng chục trang trại gió trong thập kỷ tới. Quy mô này đòi hỏi chúng tôi phải làm chủ kiến thức chuyên môn”, ông Chen nói.
Sau một năm làm thủy thủ, Weichun Hung chuyển sang đội thi công, hỗ trợ nâng hàng tấn cáp và thiết bị bằng cần cẩu chính xác. Sau đó, ông được thăng chức vào phòng điều khiển, đảm nhiệm vai trò điều chỉnh độ căng cáp, giám sát các rãnh dẫn cáp ra khỏi vòng xoay với tốc độ và áp suất phù hợp. Hành trình sự nghiệp của Weichun Hung là điển hình trong bối cảnh các kỹ sư hàng hải giàu kinh nghiệm còn khan hiếm tại Đài Loan. Các công ty thường tuyển dụng từ các ngành liên quan, như vận hành tàu nhỏ, đào tạo họ để xử lý các hoạt động phức tạp của tàu đặt cáp.
Shinfox còn hợp tác với các trường đại học để tuyển dụng nhân tài, theo ông Shih. “Chúng tôi chủ yếu tuyển người từ châu Á vì họ có tiềm năng được đào tạo lâu dài. Chúng tôi cũng hy vọng thu hút nhiều bạn trẻ Đài Loan tham gia ngành này, vì đây là một lĩnh vực đang toàn cầu hóa”, ông nói.
Với tham vọng trở thành trung tâm năng lượng gió ngoài khơi của châu Á, Đài Loan đang đặt nền móng cho một ngành công nghiệp mới, không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng mà còn mở ra hàng ngàn cơ hội nghề nghiệp đầy triển vọng cho thế hệ trẻ.