Nhiều ngành ứng dụng AI vào giảng dạy cho sinh viên
Thông qua việc này giúp sinh viên tiếp cận với sự phát triển của khoa học công nghệ ngay từ khi đang học đại học.
Ngày nay, cuộc cách mạng số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tác động đến nhiều lĩnh vực bao gồm cả giáo dục.
Thấy được sự phát triển không ngừng, nhiều trường đại học, cao đẳng đã dẫn đầu xu hướng mới trong cách đào tạo, giảng dạy với kỳ vọng tạo được những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên, giúp các em có nền tảng thích ứng với biến đổi của khoa học công nghệ hiện nay.
Trao đổi với
Người Đưa Tin
, cô Võ Thị Thu Hằng – Trưởng Khoa Thiết Kế, Trường Cao đẳng Việt Mỹ đánh giá trong kỷ nguyên công nghệ, ngành Đồ họa đã trải qua rất nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt, thay đổi hoàn toàn quy trình và công cụ làm việc, đặc biệt là ứng dụng trí thông minh nhân tạo AI vào công việc. Xu hướng này ảnh hưởng đáng kể đến phương pháp giảng dạy và học tập trong ngành Thiết kế đồ họa.
Cô Hằng cho biết trong chương trình học ngành Đồ họa, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào hai môn học là Nghệ thuật nhiếp ảnh và Thiết kế dàn trang ấn bản.
“Ở môn Nghệ thuật nhiếp ảnh, sinh viên được yêu cầu thực hiện một bộ ảnh 9 tấm về một chủ đề tự chọn, sau đó viết miêu tả lại 1 tấm ảnh mình thích nhất để AI tạo ra bức ảnh thứ 10, theo hướng dẫn của giảng viên.
Điều này giúp chúng tôi vừa hướng dẫn được cách sử dụng AI tạo sinh để sản xuất hình ảnh cho sinh viên, cũng như sinh viên sẽ có một số suy nghĩ so sánh đối chiếu giữa ảnh mình chụp và ảnh mình tạo ra với AI”, cô Võ Thu Hằng cho hay.
Còn ở môn Thiết kế dàn trang ấn bản, giảng viên nêu ví dụ về tiêu chí chấm điểm cho kỹ năng thiết kế dàn trang cho một cẩm nang du lịch hoặc ẩm thực, trong đó các nội dung văn bản và hình ảnh có thể được sinh viên dùng các ứng dụng như ChatGPT và Midjourney để thực hiện.
Tuy nhiên, cô Hằng cũng cho biết thách thức lớn nhất của cả người dạy và người học trong khi ứng dụng AI vào học tập là phải có quy định và giới hạn trong việc sử dụng AI, để đảm bảo công bằng cho mọi người.
Còn theo TS.Nguyễn Đình Hoa Cương - Trưởng khoa Công nghệ và Kinh doanh trường Đại học Phú Xuân, sự phát triển của ChatGPT, Copilot hay Gemini cũng tác động không nhỏ khi các em chọn học lập trình.
Cụ thể đối với phương pháp giảng dạy lập trình truyền thống, hai yếu tố quan trọng cần được truyền đạt đến người học là: nắm vững cú pháp của ngôn ngữ lập trình; mã hóa thuật toán thành chương trình hoàn chỉnh bằng ngôn ngữ lập trình.
Với phương pháp này người học vừa từng bước phát triển hiểu biết, kỹ năng lập trình, vừa trải nghiệm và đúc rút kinh nghiệm trong quá trình mã hóa các thuật toán theo tiến độ học dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
Mặc dù vậy, khi ứng dụng khoa học công nghệ vào trong giảng dạy thay vì hướng dẫn chi tiết cú pháp ngôn ngữ lập trình chẳng hạn, người dạy hướng dẫn sinh viên sử dụng các khái niệm trong lập trình để ra lệnh cho các mô hình trí tuệ nhân tạo trình bày nội dung liên quan trong một ngôn ngữ lập trình cụ thể.
Cũng là một trong những trường đại học quyết định sẽ đưa học phần về trí tuệ nhân tạo vào trong giảng dạy, trao đổi với
Người Đưa Tin
, đại diện Trường Đại học Thành Đô đánh giá trong bối cảnh phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự tác động toàn diện của trí tuệ nhân tạo trên nhiều lĩnh vực đời sống thì việc giảng dạy đại trà học phần AI tại trường đại học sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong nhận thức, chương trình đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực.
“Khác với chương trình đào tạo chuyên sâu chỉ dành riêng cho sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin với những khối lượng kiến thức về lập trình, suy luận tự động, thuật toán, học máy..., chương trình giảng dạy AI đại trà dành cho tất cả sinh viên thuộc các ngành học sẽ cung cấp kiến thức tổng quan, giúp sinh viên hiểu AI được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống và từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể như thế nào”, vị đại diện này cho biết.
Theo đó, học phần về AI đại trà được thiết kế để cung cấp cho người học các kiến thức nền tảng về các nguyên tắc và ứng dụng của AI ở hiện tại và tương lai. Trong quá trình học, sinh viên được hướng dẫn cách sử dụng các công cụ AI phổ biến như Chat GPT, Deep Vision, Notion AI, BitAI…, giải quyết các vấn đề thế giới thực bằng AI và hiểu được những tác động đạo đức và xã hội của công nghệ này.
Một số chủ đề chính trong chương trình giảng dạy bao gồm: nguyên tắc cơ bản về học máy (Machine learning), học sâu (Deep learning) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP). Trải nghiệm thực tế một số ứng dụng của AI về thị giác máy tính (Computer vision) và NLP, đặc biệt trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, tài chính và giao thông vận tải. Kỹ năng thực hành trong việc phát triển và triển khai các giải pháp AI và đặc biệt là nội dung về đạo đức và trách nhiệm xã hội liên quan đến AI.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ:Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.